Bất chấp người dùng không đồng ý, khó chịu, thậm chí phản ứng dữ dội, các loại quảng cáo trời ơi cứ liên tục ập vào mặt người tiêu dùng.
Đã qua rồi cái thời quảng cáo “leo” cột điện từ cho thuê phòng, dạy kèm, trĩ mạch lươn đến khoan cắt bê tông... Giờ quảng cáo không thèm leo nữa mà nhảy dựng, phi thẳng vào nhà cửa và các phương tiện cá nhân của con người.
Hết gọi giật ngược vào điện thoại bất chấp giờ nghỉ ngơi, tới phủ sóng tin nhắn rác chào mời. Ngừng đèn đỏ là lập tức có người xông ra nhét các loại giấy má chi chít tận tay. Về nhà mở cửa là cả xấp tờ rơi từ bất động sản, bảo hiểm, vay nợ trả góp cho tới gạo đường tương chao mắm muối, cá đù một nắng, bánh tráng trộn... nhét vào khe cửa. Mở hộp thư lên là quảng cáo các loại tràn vào như bướm. Bật tivi là bị quảng cáo tấn công vài phút một lần hết kênh này tới kênh nọ. Cứ thế tần suất “khủng bố” quảng cáo ngày một gia tăng từ nhà ra phố, thậm chí các chung cư, cao ốc khi bước vào thang máy đòi hỏi phải quẹt thẻ từ - các loại quảng cáo cũng không tha.
Đã có các loại quảng cáo vô duyên, phản cảm như “Cấm phụ nữ đoan trang”, “bổ thận nam, một người khỏe, hai người vui”, rồi thì “uống 1 tặng 1 cho phụ nữ cao từ 1m65”, “Nghe bác sĩ nói mẹ có nguy cơ loãng xương, mình lo lắm, nên mình quyết định uống...”... bị cộng đồng ném đá, tẩy chay. Thế nhưng hiện nay các loại quảng cáo sản phẩm “cò con” như dạy kèm, bán gạo, tương chao mắm muối, cá khô, bánh tráng trộn... nhét vào tay, vào kẹt cửa thì mọi người... thấy cũng tội nên thôi cũng kệ. Riêng quảng cáo trên truyền hình thì như một khán giả ví von như phim bộ, “đã dở mà còn nhiều tập”.
Nhiều bữa đang ăn cơm thì các loại quảng cáo thô thiển cứ đập vào mắt, chọc vào tai. Ôi trời! Vô số bệnh tật với đầy đủ triệu chứng được mô tả sống động, chi tiết: ợ, ho, khạc sù sụ; những mặt người đầy mụn; những chàng trai nhai sing-gum khí thế, xong tự tin thở phì phò vô mặt bạn gái; nào vừa thuốc trị sâu rầy xong tới thận yếu, đau gan, bệnh gút, loãng xương, đau chậu với cả đau lưng...
Vẫn biết thời buổi kinh tế khó khăn, các nhà đài ai kiếm được spot quảng cáo nào, vào giờ nào thì kiếm, vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi 30 giây chứ chả chơi. Rồi thì các loại quảng cáo chi mỏng về tiền, ậm ừ về ý tưởng nên sản phẩm ra đời chỉ có thế. Rồi cũng vì báo mạng thống trị, quảng cáo trên báo giấy ngày càng teo tóp bởi ngày càng ít độc giả. Rồi vì bất động sản tuột dốc, ế ẩm nên mới có các kiểu quảng cáo như khủng bố con người ta với các loại dự án, căn hộ cao cấp nổ như bắp... Rồi thì cũng vì thực phẩm bẩn tràn lan, nên mới phát sinh ra các kiểu phát tờ rơi thiết kế, in ấn nhem nhuốc nhét tận tay, day tận mặt, dí tận nhà các loại rau củ quả sạch, cá mắm tương chao sạch...
Đành rằng “quảng cáo là một phần tất yếu của cuộc sống”, thế nhưng điều đáng nói là nội dung và cách thức quảng cáo đã không phát triển theo thời gian mà ngày càng gây phiền toái, phản cảm. “Quảng cáo vô duyên” hay “vô duyên như quảng cáo” là câu nói cửa miệng khiến người người nhà nhà ngày càng dị ứng, dẫn đến quay lưng, tẩy chay các sản phẩm, thương hiệu. Các nhà làm quảng cáo lớn nhỏ, các nhà đài... một lần nữa cần động não, cân đo.
Và trong khi các ngành nghệ thuật, biểu diễn vẫn thường bị phạt nặng các trường hợp lộ, hở, phản cảm, thì cần có những chế tài hiệu quả hơn với các loại quảng cáo trời ơi đất hỡi ngày đêm vây bủa, làm phiền lòng người tiêu dùng. Mà đâu chỉ một người, một nhà bị ảnh hưởng, mà là hàng triệu người, hàng triệu gia đình mỗi ngày mỗi giờ đều bị quấy rối.
SONG PHẠM