TP Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm Cấp cứu
Với sự ra đời của “Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM”, hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện trên địa bàn thành phố sẽ có những thay đổi gì, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được nâng chất ra sao… Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, tại sao TPHCM đã có Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương mà lại còn phải thành lập “Trung tâm Cấp cứu 115” (viết tắt Trung tâm 115)?
* PGS-TS NGUYỄN TẤN BỈNH: Từ năm 1975, ngành y tế TPHCM đã thành lập Trạm cấp cứu 05, là đơn vị cấp cứu người bệnh tại cộng đồng và vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện đầu tiên trong cả nước. Sau nhiều lần chuyển đổi, từ tháng 8-1999 đến nay, Khoa Cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương - với số điện thoại 115 - là đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ nói trên. Các bệnh viện khác chỉ hình thành tổ cấp cứu ngoại viện lồng ghép vào các kíp trực cấp cứu nội viện - vốn thường xuyên bị quá tải. Do chưa có một trung tâm điều hành thống nhất nên thực tế, hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện chưa phát huy được sức mạnh của toàn thể hệ thống y tế thành phố.
Hiện nay, số người dân, người bệnh biết và sử dụng số “115” khi cần cấp cứu chưa phổ biến. Mỗi ngày, thành phố có khoảng hơn 1.000 bệnh nhân bị bệnh lý cấp tính hoặc tai nạn thương tích cần được trợ giúp cấp cứu tại nhà và đường phố, nhưng chỉ chưa đến 1% gọi cho “115”, còn lại đều do gia đình hoặc người dân tự chuyển đến khoa cấp cứu của các bệnh viện bằng các phương tiện taxi, ô tô, xe máy… Rất nhiều bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng không được sơ cứu, vận chuyển và điều trị đúng cách nên dẫn đến những tình huống xấu, để lại những khó khăn trong điều trị sau này và thậm chí đã tử vong trước khi đến được bệnh viện.
Tại TPHCM, sự phát triển của đô thị cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, như vấn đề tai nạn thương tích, mô hình bệnh tật đặc trưng của một thành phố lớn (ngộ độc thực phẩm, nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não, đột quỵ…). Việc tổ chức tốt công tác cấp cứu ngoài bệnh viện, tận dụng được “thời gian vàng” trong cấp cứu sẽ góp phần giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế hậu quả, di chứng lâu dài, giảm chi phí cho gia đình và xã hội, thể hiện sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự phát triển của hệ thống y tế, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ yêu cầu cấp thiết này, lãnh đạo TPHCM đã quyết liệt chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện của thành phố, xây dựng mạng lưới cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
* Như vậy, Trung tâm 115 sẽ có gì khác so với hoạt động cấp cứu trước đây của BV Trưng Vương?
* Vẫn là số điện thoại “115”! Tuy nhiên, trước đây chỉ có xe cứu thương của BV Trưng Vương đi cấp cứu ngoại viện, dẫn đến thời gian người dân chờ đợi lâu (đây là nguyên nhân khiến ít người sử dụng dịch vụ cấp cứu 115) và sau khi sơ cứu thì đưa bệnh nhân về điều trị tại các khoa của BV Trưng Vương. Còn với Trung tâm 115, khi tiếp nhận điện thoại gọi cấp cứu, phòng điều hành sẽ gọi đến trạm cấp cứu gần nhất thông báo về tình trạng người bệnh và điều động xe. Đội cấp cứu sau khi tới hiện trường sơ cấp sẽ vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất, có chuyên khoa phù hợp bệnh lý để tiếp tục điều trị. Ngoài 5 trạm cấp cứu khu vực, Trung tâm 115 còn kết nối với khoa cấp cứu của toàn bộ các bệnh viện công lẫn tư trong thành phố; phối hợp với quân đội, công an và chính quyền giải quyết các vụ việc liên quan đến tai nạn, thảm họa; phối hợp với mạng lưới sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ trong xử lý cấp cứu tại hiện trường. Nói tóm lại, Trung tâm 115 sẽ điều phối mọi hoạt động của mạng lưới cấp cứu ngoại viện trên địa bàn TPHCM và sẵn sàng chi viện cấp cứu cho các tỉnh thành lân cận khi có yêu cầu.
* Người dân cũng rất quan tâm đến vấn đề chi phí như thế nào và có được hưởng bảo hiểm y tế hay không, thưa ông?
* Chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn thực hiện BHYT đối với cấp cứu bệnh nhân ngoại viện. Hiện nay, ngành y tế TPHCM chưa thu tiền công khám cấp cứu ngoại viện vì quy định về thu viện phí không có nội dung này. Các dịch vụ kỹ thuật và tiền vận chuyển đều được tính theo giá quy định hiện hành.
* Xin cám ơn Phó Giáo sư!
Từ nay đến 2015, ngoài trạm đặt tại Trung tâm 115, ngành y tế sẽ thành lập thêm 5 trạm khu vực (đặt tại các bệnh viện đa khoa: Sài Gòn, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Tân và quận 7). Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ mở rộng và bao phủ các trạm cấp cứu theo địa bàn dân cư trọng yếu, hoàn thiện mạng lưới cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp và từng bước hiện đại. |
PHONG LAN