Tôi ở Mặt trận B5 về lại Quảng Bình thì Hội Nhà văn gọi ra Hà Nội dự trại viết. Lúc này, Quảng Bình - Vĩnh Linh cũng bị Mỹ ném bom đánh phá ác liệt. Thị xã Đồng Hới bị bom tan tành. Vợ tôi đem các con sơ tán về nông thôn, nhưng vẫn phải bám học sinh dạy học dưới mặt đất.
Ra đến Hà Nội gặp lại các bạn nhà văn miền Nam. Cả bọn vui mừng rồi chăm chú ngồi viết. Nhưng đang viết dang dở thì cuộc hòa đàm Paris bị Mỹ kéo dài, lật lọng. Ních-xơn ra lệnh tiếp tục ném bom miền Bắc. Có tin Mỹ sẽ dùng “con chủ bài” pháo đài bay B52 ném bom Hà Nội. Trung ương ra lệnh cho Hà Nội sơ tán các cơ quan không trực tiếp chiến đấu và trẻ con, người già. Hội Nhà văn sơ tán đi Bến Đục. Trại sáng tác chấm dứt. Các nhà văn trở lại chiến trường. Tôi đang chuẩn bị về Quảng Bình thì vợ tôi đem cháu Vinh, đứa con út mới 2 tuổi ra giao cho tôi rồi vội quay lại Quảng Bình. Tôi đành phải xin cho cháu Ngọc Lan - chị của Vinh, 8 tuổi đang học ở Nhạc viện Hà Nội về trông em. Nhà văn Hoàng Lại Giang bạn tôi ở Nhà xuất bản Văn học đón 3 bố con tôi về nhà anh ở 52 Trần Nhân Tông sống tạm, chờ Mỹ dứt ném bom, xin nhờ xe quân sự để cho bố con tôi trở về Quảng Bình. Lại Giang mang toàn bộ sách đến xếp lên quanh cái bàn viết để làm hầm trú ẩn cho hai con tôi.
Mỗi lần còi báo động rú lên, dù ban ngày hay ban đêm, tôi bảo Lan bế em Vinh vào cái hầm sách, còn tôi thì ra trước nhà xem dân quân tự vệ dùng súng trường bắn máy bay tầm thấp. Nhìn về phía Gia Lâm, Đông Anh thấy tên lửa ta đánh đuổi máy bay Mỹ.
Hàng ngày, tôi ngồi sửa bản thảo, Lan trông em Vinh. Các nhà văn còn bám trụ ở Hà Nội đến thăm chúng tôi. Người cho tiền, người cho tem phiếu để mua thực phẩm. Anh Nguyễn Đình Thi đến thăm, nói: “Ních-xơn âm mưu đánh hủy diệt Hà Nội. Mình sẽ cho xe của hội đến đón cả nhà cậu đi Bến Đục”. Tôi cảm ơn anh Thi, nhưng phải ở Trần Nhân Tông để chờ xe đến đón về Quảng Bình.
Suốt từ ngày 18-12, đêm nào Hà Nội cũng đánh B52. Máy bay Mỹ bị bắn rơi càng nhiều, bắt được nhiều giặc lái thì số người chết và bị thương càng tăng. Bà Tiệp, cô Quy, bà Lê cùng ở số 52 muốn nhận đưa hai con tôi đến ở với họ, nhưng chúng tôi không rời đi đâu được. Tôi nhớ bác Mai, trưởng khu phố chiều nào cũng vào chỗ tôi hỏi: “Đêm nay 3 bố con có ở lại trong nhà thì cho tôi ghi tên, để nhỡ bom nổ sập nhà thì biết mà đến đào bới, cấp cứu”. Suốt cả tuần cứ diễn ra như vậy, nhưng rồi đến sau đêm Giáng sinh, rét đậm, tôi đang ngủ thì tiếng máy bay rền vang, tên lửa, cao xạ và bom nổ rung chuyển cả trời đất. Ngoài đường phố tiếng người gọi nhau í ới. “Bà con ơi! Còn ai trong nhà thì ra đi cứu Khâm Thiên. Mau ra đi cứu Khâm Thiên đồng bào ơi!”
Tôi bảo: “Con trông em. Cứ ở trong hầm, đừng đi đâu. Ba phải đi cứu người!”.
Chỗ chúng tôi ở chỉ cách Khâm Thiên vài trăm mét. Hàng trăm bộ đội, công nhân đang hối hả đào bới kéo ra từ dưới đống gạch vụn người chết, người bị thương. Tôi cùng một số nhà văn, nhà báo cũng xúm vào đào bới, đưa người bị thương ra chỗ y tế, khiêng các tử thi ra xếp bên lề đường. Cho đến tận lúc trời sáng thì mới quay về nhà tìm con.
Trên đường về tôi lắng nghe bản tin đêm qua “Mặt trận trên không” đã bắn hạ nhiều B52, bắt sống giặc lái.
Cứ thế ta đánh đến ngày thứ 12, bắn rơi 23 máy bay B52. Khi “thần tượng” pháo đài bay B52 bị sụp đổ thì Mỹ mới chịu thất bại…
*
Giữa năm 1994, một cựu binh Mỹ tên là James G. Zumwalt đến xin gặp tôi. Với sự giới thiệu của ngành ngoại giao ta: “Ông James, nhà văn, muốn xin gặp các cựu binh Việt Nam để hỏi chuyện nhằm viết một quyển sách về cuộc chiến ở Việt Nam”.
Tôi trả lời những câu James hỏi và mang ra cho ông ta xem vài cuốn nhật ký và ảnh chụp trong chiến tranh đánh Mỹ. Cuối cùng ông ta nói: “Kỹ thuật ném bom của phi công Mỹ rất chính xác, James không tin Mỹ ném bom vào dân thường ở khu phố Khâm Thiên”. Tôi bảo James: “Trong những ngày Mỹ ném bom Hà Nội, Dên-phôn-đa diễn viên Mỹ đều có mặt”. Tôi kể cho James nghe khi tôi trở về thì hai con gái nhỏ của tôi không còn ở trong nhà. Các cháu vắng bố đã được tập trung ra bờ hồ Thuyền Quang. Ở đó có trạm y tế cấp cứu, nuôi trẻ lạc bố mẹ và nơi tập trung người chết và bị thương. Khi tìm thấy các cháu thì người bé Vinh đầy máu. Tôi hốt hoảng ôm con sờ tìm nhưng không thấy vết thương nào. Thì ra Vinh bò qua đám người chết đi tìm bố.
Nghe đến đó, James hỏi hai cháu Lan, Vinh bây giờ ở đâu. Tôi nói: “Lan dạy đại học, Vinh dạy đàn dương cầm ở nhạc viện”. Tôi vừa dứt lời thì Vinh đi dạy về. Tôi giới thiệu James. Vinh bắt tay James và nói: “Trước đây ông và quân đội Mỹ đến Việt Nam với súng và bom thì khác. Nay ông đến với cây bút của nhà văn thì tôi xin tiếp ông bằng tiếng đàn”. Nói rồi, Vinh ngồi vào cây đàn piano ở phòng khách. Lập tức những giai điệu của Bết-tô-ven, Suy-be, Xôpanh… vang lên. James ngồi lắng nghe với đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ…
Tháng 5-2010, James G. Zumwalt đã viết xong cuốn sách Chân trần chí thép (Bare Feet, Iron will) phát hành ở Mỹ. Cuốn sách phân tích lý do vì sao Mỹ đã thất bại ở Việt Nam. “Người Việt Nam tuy nghèo, chân trần nhưng có ý chí bằng thép, nên đã thắng Mỹ”… Trong cuốn sách đó, điều quan trọng nhất là ông ta thừa nhận Mỹ chủ tâm ném bom, bắn phá vào Khâm Thiên - Hà Nội giết hại nhiều thường dân và phá tan nhà cửa của họ…
Nhà văn Trần Công Tấn