12.174 tỷ đồng xây trụ sở Bộ GTVT có hợp lý?

Đề án “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” vừa được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt với con số kinh phí khổng lồ 223.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn vốn cho đầu tư công đang rất eo hẹp như hiện nay, những con số “khủng” mà Bộ GTVT đưa ra đã gây sốc  dư luận.

Trong bản Đề án dài 49 trang, Bộ GTVT đã đánh giá thực trạng của ngành GTVT và nêu rõ quan điểm cần thiết phải thực hiện đề án. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ của toàn ngành đã quá lạc hậu do được đầu tư hàng chục năm trước, chủ yếu chỉ đáp ứng được các dự án vừa và nhỏ. Bộ GTVT chủ trương phát triển ngành giao thông gắn với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn ngành cũng như tại cơ quan bộ.

Theo tính toán ban đầu, để đáp ứng cho mục tiêu trên, Bộ GTVT cần hơn 223.000 tỷ đồng. Trong đó, Bộ GTVT nêu rõ, nguồn vốn dự kiến cho các dự án sẽ có khoảng 40% là vốn ngân sách, 60% vốn còn lại sẽ được huy động từ các nguồn khác ngoài ngân sách. 

Trong tổng số 223.000 tỷ đồng mà Bộ GTVT đưa ra có rất nhiều danh mục đầu tư lớn, ví dụ như  cần 30.000 tỷ đồng đầu tư đội tàu biển cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vào năm 2015 và 70.000 tỷ đồng cho đội tàu vào năm 2030; cần 80.000 tỷ đồng để phát triển đội máy bay của Vietnam Airlines lên 181 chiếc vào năm 2020 gồm 70 máy bay sở hữu, 101 máy bay thuê...

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm chưa phải ở những hạng mục rất mang tính chuyên ngành đó mà chính là ở hạng mục đầu tư, nâng cấp trụ sở làm việc của bộ. Theo đề án, để có nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn của bộ và các cơ quan trực thuộc, ước tính cần 12.174 tỷ đồng đến năm 2030 (riêng từ 2012 - 2015 cần 7.950 tỷ đồng). Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỷ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhu cầu hiện đại hóa trụ sở làm việc của các bộ ngành là cần thiết, đó vừa là bộ mặt quốc gia, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, nước ta đang trong tình trạng thiếu vốn, đầu tư cho hạ tầng đang phải vay vốn ODA. Mới đây, Chính phủ còn yêu cầu rà soát lại kế hoạch đầu tư hạ tầng theo hướng cắt giảm, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên… Vì vậy, việc đầu tư xây dựng trụ sở các bộ ngành cũng cần phải có kế hoạch và có thứ tự ưu tiên chứ không nên làm ồ ạt. Ông Liêm còn đặt câu hỏi: “Không hiểu Bộ GTVT cần gì đến một trụ sở lớn như vậy?”.

Về con số 12.174 tỷ đồng hiện đại hóa trụ sở Bộ GTVT, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng, Bộ Xây dựng đã có quy định rất rõ về định mức, tiêu chí xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước. Vấn đề là cần xem xét xem con số mà Bộ GTVT đưa ra có được căn cứ theo tiêu chí này hay không.

“Tôi cho rằng, chủ trương là vậy, nhưng làm thế nào để có chi phí tiết kiệm nhất, hợp lý nhất thì các cơ quan chức năng cũng phải có trách nhiệm cùng Bộ GTVT thực hiện”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Bích Quyên

Tin cùng chuyên mục