1/3 các nước phát triển cắt giảm chi tiêu y tế

(SGGPO).- Trong báo cáo “Tổng quan về y tế 2013” được công bố ngày 21-11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết ít nhất 1/3 các nước giàu trên thế giới đã cắt giảm chi tiêu y tế trong giai đoạn 2009-2011, chủ yếu do khủng hoảng kinh tế.

Cuộc khảo sát do OECD thực hiện tại 33 nước có nền kinh tế phát triển. Quốc gia giảm mạnh nhất là tại Hy Lạp (11,1%), Ireland (6,6%), và những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người nghèo. Chỉ có 2 nước Israel và Hàn Quốc tăng chi tiêu y tế so với thập kỉ trước. Báo cáo cho rằng nguyên nhân giảm chi tiêu y tế là do cắt giảm ngân sách tại các nước phải thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng”, bao gồm giảm giá thuốc, hạn chế tiền lương tại bệnh viện và cắt giảm ngân sách cho các chương trình phòng ngừa.

Một điểm sáng trong báo cáo này là lần đầu tiên, tuổi thọ trung bình ở các nước OECD vượt mức 80 tuổi. Thụy Sĩ, Nhật Bản và Italy là những nước người dân có tuổi thọ cao nhất trong các nước OEDC. Tuy nhiên báo cáo cũng báo động về tình trạng gia tăng số người mắc các bệnh tiểu đường, béo phì và mất trí ở các nước giàu.

Năm 2011, gần 7% số người từ 20 đến 79 tuổi tại các nước OECD (tương đương 85 triệu người) mắc bệnh tiểu đường. Con số này có thể sẽ tăng trong những năm tới, tính đến tỉ lệ bệnh béo phì cao và gia tăng tại các nước phát triển. 

          Hạnh Xuân

Tin cùng chuyên mục