14 năm bền bỉ giúp người

Lặng lẽ bén duyên
14 năm bền bỉ giúp người

Cô Huệ “thiện nguyện” là cách gọi thân mật của nhiều sinh viên, bà con chòm xóm và nhiều tổ chức từ thiện, với cô Nguyễn Thị Huệ (ở 271 Bưng Ông Thoàn, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TPHCM) bởi sự bền bỉ gần 14 năm nay với biết bao lo toan giúp hàng ngàn người nghèo, tật nguyền, cơ nhỡ…

Cô Huệ (phải) cùng thợ may mền tặng người nghèo.

Cô Huệ (phải) cùng thợ may mền tặng người nghèo.

Lặng lẽ bén duyên

Kể về cơ duyên đến với các hoạt động từ thiện, cô Huệ lại nhớ đến những ngày mới vào làm tại Sở NN-PTNT TPHCM năm 2000. Vốn sinh ra ở thành phố, có cuộc sống đủ đầy, đến khi đi tập huấn nuôi, trồng giúp nông dân, cô Huệ mới thấm thế nào là cái khổ, sự nghèo đói, thiếu thốn của người dân vùng quê nghèo. Kể từ đó, cứ vài bữa cô lại gom tập, sách, bánh kẹo đem đi tặng tụi nhỏ, gom quần áo tặng người lớn ở các vùng nông thôn Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ. “Cái duyên nó đến tự nhiên và lặng lẽ lắm, chỉ biết rằng từ khi bắt đầu và suốt thời gian dài gắn bó, mình vui, gia đình cũng vui, thế là gắn bó hoài”, cô Huệ tâm sự.

Rồi trong một lần đi tập huấn ở Củ Chi, cô gặp một thiếu nữ tật nguyền, nhà nghèo nên phải đi bán vé số phụ ba mẹ. Thương em, cô mua tặng em một chiếc máy may rồi khuyên em học nghề may. Mất 2 tuần liên tục cô thuyết phục, năn nỉ, phân tích, cuối cùng em cũng đồng ý xuống thành phố học. Kể từ đó, cô nảy ra ý định mở xưởng may tại nhà để tạo việc làm giúp người khuyết tật và người nghèo.

Trong số những công nhân may đó, cô Huệ nhớ như in dáng vẻ của cô gái Danh Thị Vàng (17 tuổi, người Khmer, quê ở Hòn Đất, Kiên Giang) với đôi bàn tay co rút, chân bại liệt, không cầm nổi con dao, cái kéo, lò mò tới gặp cô để xin vào… học cắt chỉ. Thấy các em đã thiệt thòi quá rồi, nên cô nhận hết. Rồi cô Huệ lại quyết tâm “ép” các em học nghề may.

“Tay co quắp, chân teo tóp mà thời đó máy lại đạp bằng chân, quay bằng tay, vì thế mà các em đó sợ học lắm. Sáng nào tới đây ăn sáng cùng thợ cũng cười vui vẻ nhưng khi ngồi lên máy là khóc, khóc đến khi hết giờ, rời khỏi máy mới thôi. Thấy các em khóc, tôi cũng khóc theo nhưng không cho phép mình yếu đuối, giờ thì đứa nào cũng thành thợ của các cơ sở may rồi”, cô Huệ cười lớn khi kể về cái duyên với những học trò khuyết tật của mình.

Một tấm lòng nhân

Hơn 14 năm qua, mọi việc cô Huệ nghĩ và làm đều gắn liền với các hoạt động thiện nguyện như tận dụng vải vụn của xưởng và đi mua thêm vải vụn ở nơi khác về để may thành mền tặng người nghèo; mở lớp dạy chữ cho trẻ em nghèo, trẻ lang thang; hàng năm tổ chức đón Trung thu cho trẻ em nghèo ở phường Tăng Nhơn Phú B (quận 9) và huyện Củ Chi… Đặc biệt là 8 năm qua, gia đình cô Huệ lại trở thành địa chỉ quen thuộc của hàng ngàn sĩ tử ở các vùng quê lên thành phố dự thi đại học và cao đẳng có chỗ ăn, chỗ ở miễn phí và còn được tổ chức đưa rước đến điểm thi chu đáo, an toàn…

Cho đến lúc này, tất cả các hoạt động đó vẫn được cô duy trì đều đặn nhờ sự chung tay giúp tiền của con trai đang làm việc ở nước ngoài. Có những việc thì làm theo mùa như tiếp sức mùa thi, vui đón Trung thu cùng trẻ, còn lại các hoạt động khác được thực hiện xuyên suốt năm. Mỗi năm cô đều đặn may tặng hàng trăm chiếc chăn mền, quần áo và quà giúp đồng bào miền Trung, các trại trẻ mồ côi hay bà con dân tộc ít người ở Tây Nguyên.

Mới đây nhất, ngày 28-6, trong khi tất bật lo chuẩn bị chỗ ăn, ở để đón sĩ tử nhưng biết tin đoàn bác sĩ khoa Nội tiết Bệnh viện An Bình đi thăm Làng phong Quy Hòa ở Bình Định, cô Huệ cũng tranh thủ chuyển gần 400 chiếc áo nhờ đoàn đem tặng bà con.

Chia sẻ về mong muốn của mình, cô Huệ mong rằng có thể huy động được vải vụn từ nhiều nơi về và đào tạo thêm thợ may là người khuyết tật để may mền tặng người nghèo. Cô dự định sẽ bán ra thị trường một số ít đủ để trả công thợ, như vậy vừa tạo được việc làm và tăng thu nhập giúp người khuyết tật, vừa có mền để tặng người nghèo.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục