
16 trò múa rối nước được khán giả trong và ngoài nước rất yêu thích, bởi sự vui tươi dí dỏm, nét duyên dáng và một thoáng cảm xúc quê hương ẩn hiện trong từng trò diễn. Hiện nay, TPHCM chỉ có duy nhất một sân khấu múa rối nước, hoạt động thường xuyên tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1).

Trên nền nhạc là những điệu lý, câu hò, bài hát dân ca khá quen thuộc với người dân miền Nam, 16 trò múa rối nước (trò cổ) thể hiện nhiều câu chuyện nhỏ, thú vị, dễ hiểu.
Một số trò diễn mang hình ảnh một quê hương thanh bình, với khung cảnh miền quê, vùng sông nước, trên đồng ruộng… đã cho khán giả nhiều cảm xúc.
Trò rối nước nông nghiệp diễn tả sinh động người nông dân đang cấy, cày, chú bé cưỡi trâu thổi sáo vi vu. Trò Nhi đồng hí thủy nhộn nhịp với những chú bé nghịch ngợm, khoái tắm sông, nhào lộn, rượt đuổi. Trò đánh cá trên sông có cái nơm bắt cá và những chú cá đủ màu ngộ nghĩnh.
Cáo bắt vịt - một câu chuyện về đôi vợ chồng nông dân chăn vịt, thích ca hát. Một số trò rối khác mang chút ý nghĩa tâm linh, là hình ảnh của các hoạt động vui chơi lễ hội như rồng phun lửa, phun nước, lân tranh cầu, múa sư tử, tứ linh, bát tiên, bát âm, phượng tìm bạn…
Các con rối của loại hình múa rối nước thường được làm bằng các loại gỗ mít, xá xị, sung, dừa… Đặc biệt với gỗ sung thì rối có tuổi thọ khoảng 2 đến 3 năm. Để hoàn thành một bộ rối tương đối hoàn chỉnh cần đến 7 tháng.
Trước đây, muốn có một bộ rối, Đoàn Nghệ thuật múa rối TPHCM phải đặt hàng ở Hà Nội, nơi có khá nhiều nghệ nhân làm rối. Nay, tại thành phố đã có một số nghệ nhân gắn bó và thạo công việc này nên việc đặt hàng dễ dàng hơn. Khi có rối mới, rối còn thô mộc, anh em diễn viên sẽ sơn phết, tô điểm các màu sắc để tạo thêm đường nét, tính cách của từng con rối cho phù hợp với vở diễn.
Ngoài ra, việc lưu diễn đối với loại hình rối nước cũng khá vất vả, anh em diễn viên phải tự “xây” hồ nước, dựng thủy đình, trong đó có cả “buồng trò” - nơi để diễn viên đứng diễn.
Về nghệ thuật, hầu như trò nào cũng khó, đòi hỏi diễn viên phải tập luyện nhiều, cảm nhận được âm nhạc, kỹ thuật diễn xuất, và đặc biệt là chăm sóc các con rối thường diễn.
Để các trò rối đạt chất lượng, các bạn diễn phải ăn ý với nhau trong việc quăng bắt các pha tạo nên những tình huống đẹp, đắt giá. Song, cực khổ nhất là diễn viên luôn phải dầm mình trong nước, trời nắng còn đỡ, gặp trời mưa bão, lạnh, vẫn phải cố gắng hoàn thành vai diễn. Điều đó thể hiện lòng yêu nghề, niềm đam mê thật sự của những diễn viên tâm huyết với nghệ thuật múa rối.
Đoàn nghệ thuật Múa rối TPHCM sẽ dành tặng bạn đọc Báo SGGP 40 vé xem múa rối miễn phí tại rạp hát Măng Non. |
BÌNH NHI