Những ngày Văn học châu Âu 2025: Trăn trở những tâm hồn Việt xa xứ

Những ngày Văn học châu Âu đang trở lại tại 3 địa phương: TPHCM, TP Huế và TP Hà Nội. Năm nay, ban tổ chức đã mời về các cây viết gốc Việt nổi bật của nền văn chương châu Âu đương đại, mở ra một cơ hội tìm hiểu, chia sẻ và tôn vinh những tiếng nói, tâm hồn Việt xa xứ.

Thao thức cội nguồn

Những ngày Văn học châu Âu 2025 được bắt đầu tại TPHCM vào đầu tháng 5 với 2 chương trình thảo luận văn chương: “Tiếng nói đằng sau tác giả: Văn chương và dòng chảy văn hóa” diễn ra tại Trường ĐH KHXH và NV (ĐH Quốc gia TPHCM) và “Văn chương di dân: Khám phá những lịch sử ẩn giấu” tại Ngôi nhà Đức (số 33, đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1). Cả hai chương trình đều thu hút đông đảo khán giả, nhất là những bạn trẻ.

Tại đây, người tham dự đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ về cuộc sống cũng như trang viết của những nhà văn gốc Việt như: Cecile Pin, Khuê Phạm, Nuage Rose (Hồng Vân), Vanessa Vũ và Anna Mọi.

Ngoại trừ Cecile Pin, Khuê Phạm và Vanessa Vũ, hai tác giả Nuage Rose và Anna Mọi đều là những cái tên không còn xa lạ với bạn đọc trong nước. Nuage Rose là tác giả của Ba áng mây trôi dạt xứ bèo và 120 ngày - Mây thì thầm với gió, đều do Nhà xuất bản (NXB) Trẻ ấn hành. Còn nhà văn Anna Mọi cũng thường có những chuyến trở về Việt Nam và giao lưu với bạn đọc; đầu năm nay, bà có tiểu thuyết Nọc bướm cũng do NXB Trẻ ấn hành.

I6A.jpg
Các nhà văn: Vanessa Vũ, Cecile Pin và Anna Mọi (từ trái qua) tại chương trình giao lưu Văn chương di dân: Khám phá những lịch sử ẩn giấu

Dù cách biệt nhau về tuổi tác và thế hệ nhưng tự trong sâu thẳm của các tác giả đều có chung niềm thao thức dành cho cội nguồn. Là những người cầm bút xa xứ thuộc thế hệ thứ hai, với Cecile Pin, Khuê Phạm và Vanessa Vũ, nhu cầu được hiểu bản thân, hiểu về cội nguồn luôn là một niềm thao thức và thúc giục.

“Tôi lớn lên và có rất nhiều điều chưa biết về gia đình, nguồn cội. Khi vào tuổi trưởng thành, tôi bắt đầu lấp đầy khoảng trống này bằng việc đọc sách, báo và dần kết nối những câu chuyện lại với nhau. Đó chính là lý do tôi viết tiểu thuyết Những linh hồn đi lạc”, tác giả Cecile Pin chia sẻ.

Trong khi Cecile Pin lựa chọn tiếp cận ẩm thực Việt như một phương tiện kết nối cội nguồn thì nhà văn Nuage Rose lại lựa chọn ngôn ngữ. Tác phẩm đầu tiên được Nuage Rose viết hoàn toàn bằng tiếp Pháp, nhưng đến tác phẩm thứ 2, bà đã quyết định lựa chọn viết bằng tiếng Việt như một nỗ lực “bảo tồn” những từ ngữ, câu chữ của Hà Nội những năm 80 mà ngày nay đã ít nhiều mai một, cũng là một cách kết nối với cội nguồn qua ngôn ngữ.

Tiếng nói từ nhiều phương trời

Nhà văn Anna Mọi (tên thật là Trần Thiên Nga, sinh năm 1955 tại Sài Gòn) sang Pháp du học từ năm 18 tuổi. Khác với nhiều người, nhà văn Anna Mọi nói rằng, bà chưa bao giờ viết văn trong tâm thế của một người xa xứ, mà văn chương của bà vẫn luôn có bóng hình Việt Nam. Dù đã sống ở nhiều nơi như Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, nhưng có lẽ, quê nhà vẫn là sợi dây kết nối không dễ chia lìa nên từ năm 1992-2011, bà chuyển về sống hoàn toàn tại Việt Nam. Đặc biệt, tiểu thuyết đầu tay của bà là Riz Noir (Lúa đen), được gợi cảm hứng từ chuyến thăm Côn Đảo và cuộc gặp gỡ với một cựu tù Côn Đảo tại TPHCM.

“Từ năm 1992, tôi quay về Việt Nam và đã tìm được cảm hứng để viết. Hồi đó, có một NXB ở Pháp có đặt hàng tôi viết về cuộc sống lưu vong ở Pháp nhưng tôi đã từ chối. Tại sao tôi phải viết về Pháp khi tôi đang ở Việt Nam. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người lưu vong, nên cũng chưa bao giờ có ý định viết về chuyện này”, nhà văn Anna Mọi bày tỏ.

Trong chương trình giao lưu với chủ đề “Tiếng nói đằng sau tác giả: Văn chương và dòng chảy văn hóa”, TS Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH và NV (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, bản chất sâu xa của văn chương chính là một hành trình để con người đi tìm tiếng nói của chính mình. Khi tác giả viết ra một câu chuyện, dù hư cấu hay mang yếu tố tự sự, họ cũng đang gắn kết những sợi dây vô hình giữa ký ức, ngôn ngữ, thân phận và căn tính.

“Hôm nay, chúng ta có cơ hội được lắng nghe những tiếng nói đến từ nhiều phương trời: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh… nhưng đồng thời cũng là những tiếng nói Việt Nam mang theo hành trình chuyển hóa văn hóa, hành trình của những người viết không chỉ đi qua không gian địa lý, mà còn đi qua những chiều sâu tinh thần, cảm xúc và ký ức gia đình”, TS Phan Thanh Định cho biết.

Sau TPHCM và TP Huế, Những ngày Văn học châu Âu 2025 sẽ được diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 8 đến 11-5) với các chương trình nổi bật như: “Hành trình viết tiểu thuyết: Từ khởi đầu đến hoàn thiện”, “Kết hợp kỹ thuật báo chí vào tiểu thuyết”, “Cội nguồn cảm hứng: Văn hóa, trải nghiệm và con chữ”, “Graphic noel: Truyện tranh hay tranh truyện?”...

Tin cùng chuyên mục