192 giờ

Vào ngày 14-11-1992 đã xảy ra một vụ tai nạn máy bay thảm khốc tại núi Ô Kha, thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Tai nạn đã khiến các hành khách trên chuyến bay Yak-40 mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines tử nạn, chỉ riêng nữ hành khách Annette Herfkens sống sót. Annette mang quốc tịch Hà Lan, cô đã phải chống chọi một mình giữa rừng không mông quạnh trong 8 ngày, không có thức ăn, chỉ uống nước mưa để sống qua ngày, mãi cho đến khi đội cứu hộ tìm thấy cô.

Vào thời điểm đó, đây là một sự kiện lớn, không chỉ được người dân Việt Nam mà còn cả thế giới quan tâm. Đặc biệt, trong khi tìm kiếm cứu nạn, một chiếc trực thăng của Việt Nam cũng gặp nạn khiến nảy sinh rất nhiều đồn đoán về khu vực cả 2 chiếc máy bay gặp sự cố.

Sau tai nạn, dù sống sót nhưng Annette Herfkens gặp một cú sốc nặng về tâm lý nhất là trong số hành khách tử nạn trước mắt cô có cả người chồng sắp cưới. Chính vì thế, dù rất nhiều người muốn biết điều gì đã xảy ra trong 8 ngày sau tai nạn, vì sao một cô gái sinh ra và lớn lên trong một thế giới đầy đủ vật chất lại có thể sinh tồn giữa rừng già hơn tuần lễ, cô đã nghĩ gì, cảm giác ra sao khi xung quanh là rừng rậm và bên cạnh là những hành khách, người thân mất đi… Thế nhưng, A. Herfkens đã giữ im lặng, ngoài một vài cuộc phỏng vấn báo chí, cô hầu như không nhắc gì đến vụ tai nạn.

Mãi đến gần 22 năm sau, khi nỗi ám ảnh đã nguôi ngoai, cuộc sống đã trở lại bình thường, A.Herfkens mới bắt đầu viết về những gì đã diễn ra ngày ấy và 192 Hour đã đến tay bạn đọc. Tại Việt Nam, sách do Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) liên kết cùng NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản với nhan đề đầy đủ là 192 Hour - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh.

Nội dung chính của tác phẩm tập trung vào quãng thời gian kể từ khi máy bay lâm nạn cho đến khi người cứu hộ đầu tiên phát hiện ra A. Herfkens, đúng 192 giờ. Tác giả miêu tả chi tiết những điều đã diễn ra, từ những người còn sống nhưng bị thương nặng nền dần mất đi đến những nỗ lực sinh tồn như việc dùng các tấm xốp trên máy bay để tích nước uống.

Có một điều khá đặc biệt là khác với suy nghĩ của nhiều người, dù lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng nhưng tinh thần A. Herfkens không sụp đổ. Lý giải điều này, bà viết: “Sao tôi không nghĩ về lũ giòi lúc nhúc? Về mùi xác người? Bởi vì đối với tôi, chúng chỉ là thứ yếu sau vẻ đẹp, cõi yên bình và sự an toàn của khu rừng. Cả ngay lúc còn ở khu rừng lẫn sau này, tôi nhiều lần đều chọn cách không cố tình lơ đi hay đè nén những điều xấu; thay vào đó, tôi chủ động hướng bản thân mình biết nhìn vào những gì. Tôi chủ động chọn những gì cần nhấn vào và những gì cần tránh day đi day lại”.

Tuy tập trung vào sự kiện chính nhưng một phần không nhỏ của tác phẩm dành để nhắc đến nỗ lực vượt qua cú sốc tâm lý sau tai nạn. Năm 2006, bà có quay lại Việt Nam, đến chính nơi mình gặp nạn, gặp những người đã cứu mình để từ đó vượt qua được ám ảnh của quá khứ. Chính từ chuyến đi này, một chi tiết nhỏ dằn vặt bà bấy lâu nay đã được làm sáng tỏ. Đó là vào ngày thứ 8, một người cứu hộ địa phương đã đến nơi chiếc máy bay lâm nạn và gặp A.Herfkens, thế nhưng anh ta không cứu bà mà lại chỉ ngồi nhìn chăm chăm. Mãi đến 13 năm sau, khi gặp lại người đó bà mới vỡ lẽ ra nguyên nhân, té ra đó là một thanh niên sống ở miền núi, chưa bao giờ gặp một phụ nữ da trắng, mắt xanh nên khi thấy bà, anh ta nghĩ mình đang gặp ma nhưng cũng không nỡ bỏ đi. Thế là anh ta đành ngồi chờ “con ma” chạy đi để vào cứu hộ chiếc máy bay!

Đi kèm với tác phẩm là một số bài báo được viết vào thời điểm công tác cứu nạn đang diễn ra giúp bạn đọc hình dung về bối cảnh xung quanh vụ tai nạn lớn năm đó.

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục