Cuộc biểu tình nổi dậy cùng với sự giúp đỡ của phương Tây đã dẫn đến việc lật đổ tổng thống tại các nước Tunisia, Ai Cập và Libya, mở ra cuộc cách mạng được gọi là “Mùa xuân Ảrập”. Nếu mục tiêu là thiết lập nền dân chủ mới thì xem ra tới nay mục tiêu đó không những chưa đạt được mà thay vào đó còn bất ổn hơn trước.
Ai Cập và Libya chưa yên
Tình hình các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Ai Cập trong những ngày qua đang có chiều hướng mất kiểm soát. Người dân, nhất là những người từng xuống đường lật đổ ông Hosni Mubarak, là những người thất vọng nhất. Người ta thường nói “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, tâm trạng của người dân Ai Cập hiện nay là như vậy. Cũng có bầu cử, cũng có đi bầu nhưng kết quả là gì? Quyền lực hiện nay đều tập trung vào nhóm chính trị Anh em Hồi giáo, kể cả hành pháp và lập pháp. Thực sự là các nhóm dân chủ do phương Tây ủng hộ chưa đủ sức thu phục lòng tin của công chúng. Vì vậy, thay vì xây dựng một nền dân chủ như phương Tây mong đợi, Ai Cập đang theo đường lối Hồi giáo chính thống kiểu Iran.
Tại Libya, khi màn đêm buông xuống, những âm thanh quen thuộc lại vang lên, theo Reuters, đó chính là tiếng nổ bom và tiếng súng. Những vụ ném bom vào đồn cảnh sát trở thành chuyện thường ngày. 2 năm sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị giết, các nhóm chiến binh và tay súng Hồi giáo hiện còn mạnh hơn cả cảnh sát. Benghazi từng là cứ điểm quan trọng của lực lượng đối lập chống chính phủ Gaddafi giờ vẫn trong tình trạng vô chính phủ. Người dân Benghazi luôn sống trong tình trạng bất an, thấp thỏm giữa một thành phố bị các tay súng chiếm đóng. Đỉnh cao của các hoạt động ám sát, bắt cóc, đánh bom là vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ giết chết đại sứ Mỹ tại Libya hôm 11-9-2012.
Nước cờ sai ?
Nhà báo kỳ cựu của Mỹ, ông Fareed Zakaria, viết trên tờ Washington Post cho rằng có điều gì đó sai lầm trong bước đi của Ai Cập so với Jordan. Ông so sánh giữa hai nước này cùng thời điểm xảy ra các cuộc biểu tình cách đây 2 năm. Chính biến ở Ai Cập đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cự tuyệt với nhà lãnh đạo Mubarak được cho là độc tài. Tại Jordan, diễn ra một số thay đổi về nhân sự kèm theo lời hứa sẽ có thêm các cải cách. Ai Cập chọn cách dân chủ hóa trước khi tự do hóa. Có nghĩa là bầu cử quốc hội, tổng thống và thông qua hiến pháp và cuối cùng tất cả quyền lực về tay Anh em Hồi giáo cho dù họ chỉ giành tỷ lệ ủng hộ 25% trong các cuộc bầu cử. Họ chính là người soạn thảo hiến pháp có lợi cho họ và bị chỉ trích đã quá đề cao Hồi giáo, xem nhẹ quyền phụ nữ và nhiều quyền của các tôn giáo khác.
Ngược lại, tại Jordan, Quốc vương Abdullah II chỉ định một hội đồng sửa đổi hiến pháp. Hội đồng này tham khảo ý kiến của người dân và quốc tế để xác định hệ thống chính trị và nền dân chủ của mình, dẫn đến hàng loạt sự thay đổi vào tháng 9-2011. theo đó chuyển bớt quyền hành từ Quốc vương sang Quốc hội cùng với việc thành lập một ủy ban độc lập để theo dõi bầu cử và một tòa án giám sát tính hợp hiến của pháp luật. Morocco cũng theo mô hình Jordan, nghĩa là cải cách hiến pháp trước khi cải tổ chính trị.
Ngoài Ai Cập, tình hình đang nóng lên tại Mali, Algeria và Syria theo sau các giao tranh mang yếu tố Hồi giáo cực đoan đã khiến phương Tây một lần nữa phải lo ngại, dẫn đến việc xảy ra một số trường hợp đã đưa quân vào để “giữ giá trị dân chủ” hay giữ quyền lợi. Xét cho cùng, thế lực của Hồi giáo đang mạnh lên tại Trung Đông và Bắc Phi đang là cái gai nhọn với phương Tây.
Thụy Vũ tổng hợp