Từ quận 5 qua bên kia cầu Chánh Hưng (quận 8, TPHCM), vừa đổ dốc cầu là thấy tiệm sửa xe máy Tân Phúc Mập. Nơi đây được nhiều người biết đến như một nhà mở dành cho trẻ em cơ nhỡ. Chủ tiệm là anh Nguyễn Văn Phúc.
“Nhà mở”
43 tuổi, nét mặt phúc hậu, dáng người thấp đậm nhưng rắn rỏi, mang đôi dép lê, quần áo tuềnh toàng - đó là vẻ bề ngoài của anh Phúc. Nghe chúng tôi hỏi thăm về việc làm thiện nguyện của anh: nhận nuôi và dạy chữ, dạy nghề cho các trẻ em cơ nhỡ thất học phải lang thang kiếm sống, anh chậc lưỡi nói với giọng nhẹ nhàng, xuề xòa của người dân quê miền Tây: “Có gì đâu, thì cũng coi như con của mình vậy mà. Ngày xưa tôi có khác gì tụi nó đâu!”.
Anh Nguyễn Văn Phúc hướng dẫn em Phạm Tường Vy (quê Long An) sửa xe
Anh Phúc quê ở Cai Lậy (Tiền Giang). Năm 1993, học xong nghề sửa xe ở quận Gò Vấp, anh chọn vỉa hè ở một góc ngã tư đường để hành nghề sửa xe. Khi dành dụm được chút vốn, anh thuê nhà tại địa chỉ 194 đường Phạm Hùng (quận 8) để mở tiệm sửa xe, từ năm 1995 nơi đây thành “nhà mở” cho trẻ lang thang. “Sao anh dám nhận trẻ lang thang vào nuôi dạy?”. Nghe hỏi vậy, anh thản nhiên nói: “Tôi nhận những em như tôi ngày trước, dưới quê lên, nghèo khó, phải lam lũ kiếm sống; giúp đỡ và khuyên bảo tụi nhỏ gắng học để có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định”. Lúc đầu anh nhận 16 em, vừa dạy nghề, vừa nuôi cơm và có trả lương. Tính đến nay, đã hơn 20 năm rồi, anh đã nuôi dạy gần 200 em, các em lớn lên, thành nghề thì về quê hoặc ra ngoài mở tiệm.
“Học trò” của anh từ nhiều nguồn, có khi anh đi làm từ thiện ở các tỉnh, gặp những trường hợp hoàn cảnh khó khăn thì nhận đưa các em về nuôi dạy; có khi là người thân quen gửi gắm, cũng có khi qua quen biết, giới thiệu. Em Lê Văn Nhiều, quê ở An Giang, đi giao cơm thuê, bị tai nạn giao thông và mất chân trái; Nhiều xin “thọ giáo” anh đến nay đã được 3 năm.
Em Bùi Chí Giang, quê ở Bạc Liêu, bị ung thư xương, phải cưa chân, điện thoại hỏi anh, nghe tình cảnh như vậy, anh bảo nên về với anh. Các em khác cũng có những bất hạnh tương tự: em Nguyễn Văn Ti quê An Giang, bị cụt tay trái bẩm sinh; em Võ Thành Danh quê Đồng Tháp, bị vẹo tay và chân; em Lê Đức Trí quê ở Bến Tre, bị tai nạn bể xương khớp gối… Không chỉ dạy nghề, anh còn mở lớp dạy chữ. Sáng học chữ, chiều học nghề, nên em nào vào “nhà mở” này đều đã thoát được mù chữ.
Bươn chải làm từ thiện
Cùng với “nhà mở”, anh Phúc còn mở thêm thùng bánh mì từ thiện (mỗi ngày phát 100 ổ tặng người nghèo), thùng nước uống miễn phí, tủ thuốc miễn phí và cả cơm từ thiện (mỗi ngày phát 60 suất). Ai cũng biết anh nhiệt tình làm từ thiện nhưng ít ai biết anh cũng phải bươn chải để có thu nhập làm từ thiện. Khi chiều muộn, đóng cửa tiệm, anh lại vào một vai mới - tài xế taxi. Anh có một ô tô 7 chỗ, ban ngày thuê một tài xế chạy, chiều tối giao xe, đến lượt anh cầm lái. Anh tâm tình: “Xe chạy uber, trừ tiền lương tài xế, tính đầu tính đuôi cũng đủ chi phí, còn lại để dành mua bánh mì, cơm, nước, thuốc… làm từ thiện. Nhớt cũ, vỏ ruột xe cũ, nhông sên dĩa… đều được gom lại bán ve chai để bổ sung vào chi phí làm từ thiện. Còn nguồn thu từ tiệm sửa xe để lo trang trải chi phí và cơm nước, lương bổng cho các em”.
Anh Phúc vừa có thêm một việc làm thiện nguyện mới: chở người đi cấp cứu miễn phí. Anh nói: “Cái xe uber của tôi đó, trên xe có ghi số điện thoại của tôi, khách hàng quanh đây ai cũng biết, đêm hôm cần cấp cứu người nhà đưa đi bệnh viện là tôi có mặt”. Chưa hết, mới đây anh mời bác sĩ Trịnh Hoàng Quý (Đại học Y Dược TPHCM) cộng tác để nhận khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo vào sáng thứ bảy hàng tuần.
CÁT TƯỜNG