Xây dựng nhà máy giết mổ tập trung quy mô công nghiệp

2/3 điểm phải thay đổi so với dự định ban đầu

2/3 điểm phải thay đổi so với dự định ban đầu

Di dời các cơ sở giết mổ (cả gia cầm và gia súc) trong khu vực nội thành và khu dân cư là yêu cầu đặt ra từ khá lâu, đầu năm 2005, UBND TPHCM chính thức có Quyết định (QĐ) số 31 về việc di dời và xây dựng 3 điểm giết mổ gia súc tập trung quy mô công nghiệp và có lộ trình cho việc di dời cũng như đóng cửa những cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh. Theo QĐ, việc xây dựng 3 điểm giết mổ tập trung phải cơ bản hoàn thành vào đầu năm 2007.

Nhưng giữa tuần này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín vừa có cuộc họp với các sở-ngành tìm hiểu nguyên nhân chậm trễ để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy việc xây dựng. Các đơn vị nhận trách nhiệm xây dựng nhà máy giết mổ tập trung đều có nhiều lý do khác nhau về việc chậm tiến độ này. Điều đáng nói, 2/3 địa điểm phải thay đổi vị trí dự kiến xây dựng ban đầu theo QĐ 31 của TP.

2/3 điểm phải thay đổi so với dự định ban đầu ảnh 1

Giết mổ heo theo quy trình treo như quy định của ngành thú y tại lò giết mổ ở huyện Nhà Bè. Ảnh: Q.HÙNG

Dù vẫn trễ so với tiến độ, nhưng Liên minh Hợp tác xã TPHCM là đơn vị khởi động sớm nhất, đã khởi công vào tháng 5 tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, trên diện tích khoảng 15 ha, dự kiến đưa vào hoạt động vào quý 2 năm 2008.

Trong khi đó, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) cho biết, nhà máy giết mổ của Sagri dự định ban đầu đặt tại Khu công nghiệp (KCN) thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nhưng giờ chót, Ban quản lý KCN không chấp thuận mở cơ sở giết mổ tại đây, vì vậy Sagri đề xuất với TP địa điểm mới, đưa về xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi (TPHCM).

Nhưng đến nay dự án triển khai rất chậm. Và theo Sagri, cuối năm 2008 mới có thể khởi công. Trong khi đó, Công ty TNHH 1 Thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) nhận định, hoạt động giết mổ về KCN Tân Tạo không mang tính lâu dài do chỉ trong thời gian ngắn KCN này lại nằm lọt thỏm trong khu dân cư, lúc đó, việc giết mổ sẽ lại phải di dời, đó là chưa kể mặt bằng cho thuê có giới hạn, không đủ diện tích để đưa toàn bộ hoạt động sản xuất về đây (gồm giết mổ, chế biến, kho lạnh…).

Những KCN khác của TP có mặt bằng rộng hơn, nhưng đều từ chối vì hoạt động giết mổ gây ô nhiễm, Do đó, khả năng lớn là sẽ chuyển về huyện Bến Lức, tỉnh Long An, với diện tích khoảng 22ha, còn mặt bằng tại KCN Tân Tạo sẽ dùng làm kho lạnh và phân phối sản phẩm.

Tại cuộc họp về tiến độ di dời và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, Chi cục Thú y TPHCM cho biết, các nhà máy giết mổ gia súc công suất lớn chưa hình thành do chậm triển khai xây dựng, làm ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình thực hiện, vì không thể chấm dứt các hoạt động giết mổ trong diện phải di dời.

Trong tổng số 26 cơ sở và 6 điểm giết mổ phải di dời và ngưng hoạt động theo quy hoạch đến cuối năm 2007, đến nay chỉ mới ngưng hoạt động 4 cơ sở ở quận 9 (Long Thạnh Mỹ, Phước Long), huyện Củ Chi (Trung Lập Hạ, thị trấn Củ Chi) và 6 điểm giết mổ ở huyện Cần Giờ.

Trước tình hình này, để hạn chế tình trạng giết mổ trái phép trên địa bàn các quận vùng ven, đặc biệt tại địa bàn quận 2, 9, Thủ Đức… Chi cục Thú y đề nghị gia hạn cho 12 cơ sở giết mổ gia súc và 1 cơ sở gia cầm tiếp tục hoạt động và định hướng tập trung vào điểm giết mổ của Liên minh HTX TP tại Tân Hiệp (Hóc Môn) khi đi vào hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín yêu cầu các sở-ngành tạo điều kiện, giải quyết nhanh thủ tục và các đơn vị sớm triển khai xây dựng các nhà máy nhằm chấm dứt các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nằm chung và gây ô nhiễm trong khu dân cư như hiện nay.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục