250 đại biểu bàn về “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tổ chức hội thảo Giáo dục 2020 (Vietnam Education Conference - VEC 2020) với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”. Hội thảo diễn ra vào ngày 27-11 tới tại Phòng Thăng Long, Nhà Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng phát biểu tại họp báo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng phát biểu tại họp báo

Đây là sự kiện trong chuỗi hội thảo thường niên về giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức. Trước đó, Ủy ban đã tổ chức hội thảo giáo dục với chủ đề “Về chất lượng giáo dục phổ thông” năm 2017; về “GDĐH - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” năm 2018; “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” năm 2019.

Ngày 25-11, thông tin tại cuộc họp báo về sự kiện này, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, trước những yêu cầu mới của thời đại, GDĐH Việt Nam cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH đã ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho GDĐH phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, từ quy định chính sách đến thực tiễn thi hành cũng còn nhiều rào cản cần phải tháo gỡ, còn khoảng cách cần phải thu hẹp.

Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu chính thức, bao gồm đại diện các cơ quan của Quốc hội; các bộ, ngành Trung ương; các đại biểu Quốc hội đang công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý cơ sở giáo dục đại học; các chuyên gia, nhà khoa học...

Mục tiêu hội thảo nhằm tạo diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong GDĐH, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2019; trên cơ sở đó, đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, tạo điều kiện cho GDĐH phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế của đất nước.

Đến nay, hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng và đăng ký tham luận của đông đảo các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước với tổng số 105 bài tham luận gửi đến Ban tổ chức. Nội dung của các bài tham luận bám sát chủ đề trọng tâm của hội nghị với nhiều góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế thực hiện tự chủ đại học; mối quan hệ giữa trường đại học với cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng như giữa các thiết chế quyền lực trong nội bộ nhà trường; trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH và đặc biệt là về vấn đề tài chính, sở hữu của cơ sở GDĐH công lập trong thực hiện tự chủ.

Hội thảo được chia thành 3 phiên chính, gồm 1 phiên về các vấn đề chung và 2 phiên chuyên đề sâu về: thể chế tự chủ trong GDĐH và tự chủ tài chính trong GDĐH. Hội thảo này được kỳ vọng mang lại những ý tưởng, giải pháp đổi mới giúp cho tự chủ GDĐH Việt Nam đi vào cuộc sống, thực chất, hiệu quả.

Tham gia buổi họp báo, vấn đề tự chủ đại học với câu chuyện của trường Đại học Tôn Đức Thắng được tranh luận sôi nổi. Trả lời câu hỏi về vấn đề tự chủ học thuật của các cơ sở GDĐH, PGS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các trường đại học tự chủ về học thuật cơ bản 100%, trừ những vấn đề nhạy cảm. “Vừa qua, vấn đề của trường Đại học Tôn Đức Thắng không hẳn liên quan đến vấn đề tự chủ học thuật mà liên quan đến vấn đề tài chính, vấn đề xây dựng thương hiệu của nhà trường. Tự chủ đại học vướng các vấn đề khác, chứ không vướng ở vấn đề tự chủ học thuật”, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu quan điểm.

Theo PGS-TS Phạm Hồng Chương, vấn đề mua bán bài nghiên cứu khoa học diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Hiện cũng chưa có quy định giảng viên không được làm gì, mà hầu hết các trường có quy định là giảng viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. “Có thể mỗi trường sẽ có một quy định riêng là giảng viên được làm những gì. Vấn đề giảng viên đại học có thể không ghi tên trường đại học dưới bài báo đăng tải quốc tế hiện cũng chưa có quy định cụ thể, phụ thuộc vào sự trung thực của giảng viên cũng như tình cảm với cơ sở GDĐH của giảng viên đó”, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu.

PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, các trường đại học bắt buộc tham gia hội nhập quốc tế, xếp hạng quốc tế, nhưng phải bảo đảm sự kiêm chính trong học thuật, phải lấy sinh viên làm trung tâm.

Các ý kiến đều thống nhất, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện tự chủ đại học hiệu quả, dần dần có một mô hình tự chủ đại học chung, nhiều ưu điểm nhất, phù hợp với cả hệ thống giáo dục, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, mục tiêu của hội thảo là chỉ rõ ra được những vấn đề vướng mắc, cần tháo gỡ trong thực hiện luật pháp về tự chủ đại học. Cho rằng, chúng ta đang triển khai một số mô hình tự chủ đại học, trong đó có mô hình của trường Đại học Tôn Đức Thắng, mục tiêu tới đây là tìm ra một mô hình tự chủ đại học hiệu quả nhất. "Vấn đề trường Đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình rõ trước Quốc hội. Chính phủ đã cử đoàn công tác vào làm việc với trường, quan điểm là những gì trường đang làm tốt sẽ được tạo điều kiện phát huy, những gì còn bất cập thì chúng ta khắc phục", ông Phạm Tất Thắng nói.

Tin cùng chuyên mục