* Hai bệnh nhân phát hiện nghi nhiễm bệnh “tai xanh”
Ngày 23-7, dịch bệnh “tai xanh” ở heo tiếp tục tái phát mạnh ở các địa phương ở miền Trung.
Tại cuộc họp khẩn ngày 23-7, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, mỗi ngày có thêm hơn 1.000 con heo mắc bệnh “tai xanh” trên địa bàn tỉnh này. Riêng ngày 21 và 22-7 đã có trên 4.000 con heo bị nhiễm bệnh “tai xanh”, nâng tổng số heo mắc bệnh lên trên 27.000 con. Hiện dịch đã lan rộng trên địa bàn 11 huyện, thị, thành phố. Trong khi đó, một số địa phương xảy ra dịch chưa quyết liệt khống chế, dập dịch nên vẫn xảy ra hiện tượng mua bán, giết mổ heo và vận chuyển đi nơi khác. Việc người dân vứt xác heo bừa bãi vẫn còn diễn ra tại một số nơi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Chiều 23-7, ông Cao Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Đà Nẵng, cho biết: Đến nay, dịch heo “tai xanh” trên địa bàn đã cơ bản được khống chế, không còn tình trạng lây lan nhanh. Đến nay chỉ còn 81 con heo bị nhiễm bệnh “tai xanh” đang được điều trị, trong tổng số 155 con mắc bệnh từ ngày 18-7. Đặc biệt, đã có 1 trong 7 xã, phường đã hết dịch “tai xanh” là xã Hòa Sơn (Hòa Vang).
Ngày 23-7, UBND huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) đã tiến hành tiêu hủy thêm 28 con heo mắc bệnh “tai xanh” (kể cả những con đã được điều trị khỏi bệnh và những con heo mới phát hiện bị nhiễm bệnh). Trước đó, thực hiện sự chỉ đạo khẩn cấp của UBND tỉnh Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa cũng đã tiêu hủy 47 con heo của 7 hộ, nâng số heo bị tiêu hủy lên 75 con; toàn bộ khu vực xảy ra dịch đã được tiêu độc khử trùng, đặt bảng thông báo khu vực đang có bệnh “tai xanh” và lập các chốt để ngăn cấm những người không có phận sự vào khu vực có bệnh; nghiêm cấm mua bán, vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo vùng bệnh.
* Chiều 23-7, tin từ Bệnh viện T.Ư Huế, đã có hai bệnh nhân cấp cứu tại Khoa Cấp cứu- Hồi sức được phát hiện nghi nhiễm bệnh liên cầu heo (bệnh “tai xanh”). Đó là các trường hợp T.V.T (58 tuổi) trú tại thôn Đốc Sơ, phường An Hòa- Huế, nhập viện trong tình trạng sốt cao, cơ thể lạnh, huyết áp tụt, trong quá trình điều trị, một số vùng trên cơ thể bị xung huyết theo triệu chứng của bệnh liên cầu heo (streptococcus suis), khi thực hiện cấy máu đã phát hiện vi khuẩn liên cầu không tan máu.
Theo lời khai của người nhà trong hồ sơ bệnh án, trước đó vài ngày, bệnh nhân T.V.T có ăn thịt heo bị chết, sau đó đau bụng, đi cầu nhiều lần phân lỏng và sốt cao, huyết áp tụt. Với tiên lượng bệnh nhân không qua khỏi, người nhà đã xin đưa ông T.V.T về nhà vào ngày 23-7.
Bệnh nhân thứ hai là H.V.T (75 tuổi), trú ở xã Hương Vinh- huyện Hương Trà, nhập viện ngày 22-7 với các triệu chứng giống với bệnh nhân T.V.T, gồm: sốt, cơ thể lạnh, run, đi cầu nhiều lần phân lỏng, mũi bị tím bầm (xung huyết), tụt huyết áp. Theo bệnh nhân H.V.T cho biết, ông đã mua thịt heo ở chợ Bao Vinh (xã Hương Vinh) về ăn cách đây 4 ngày, sau đó ngã bệnh phải nhập viện.
Nếu đúng như chẩn đoán thì đây là 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus bệnh “tai xanh” từ heo.
N.H. - H.M. T.N. - N.Q.
Trước nguy cơ dịch bệnh heo “tai xanh” lan vào TPHCM Hàng ngày TPHCM tiếp nhận một lượng lớn gia súc từ các tỉnh miền Trung nhập vào để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Dù kiểm soát được hơn 90% lượng gia súc vận chuyển vào TP giết mổ, nhưng con số dưới 10% còn lại chưa qua kiểm dịch và giết mổ trái phép khiến nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc TP rất lớn. Cục Thú y chỉ đạo các chi cục thú y, các ngành, các cấp liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ ở địa phương mình và xử lý những con heo vận chuyển trái phép không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Chi cục Thú y TP đã khuyến cáo các hộ nuôi không nên tăng đàn trong thời gian này, nếu có nên sử dụng con giống tại TPHCM hoặc các tỉnh không có dịch bệnh xảy ra. TP sẽ kiên quyết xử lý bằng cách tiêu hủy tất cả đàn heo đưa vào TP không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có nguồn gốc rõ ràng. Đ.C.P - M.H. |