
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất trồng lúa lớn nhất và tốt nhất nước. Điều đó ai cũng biết. Nhưng có một điểm “nhất nước” nữa: bình quân chi phí đầu tư cho cây lúa! Quá cưng cây lúa, cho “ăn” nhiều phân bón hóa học, nông dược khiến đất bị cằn cỗi, giá thành nông sản cao mà chưa phải sẽ có lúa chất lượng tốt, năng suất cao. 3 giảm để 3 tăng đã được khuyến cáo tới nông dân nhưng đến nay nhiều bà con vẫn chưa mặn mà!
- Thực hiện 3 giảm

ĐBSCL luôn bảo đảm an toàn lương thực quốc gia.
- Gieo sạ thưa theo hàng vừa giảm được lượng lúa giống vừa dễ làm cỏ, chăm sóc cho cây lúa. Nên bỏ hẳn tập quán dùng lúa lương thực vụ trước làm lúa giống gieo sạ cho vụ sau. Phải dùng giống xác nhận để chắc chắn không bị lẫn tạp, lúa lép lửng, giống thoái hóa; bảo đảm cây khỏe, kháng bệnh tốt, có triển vọng sai bông trĩu hạt.
- Giảm bón phân đạm hợp lý. Hào phóng bón phân sẽ làm “rối loạn dinh dưỡng” của đất đai, ảnh hưởng xấu đến cây lúa! Nên bón phân theo bảng so màu lá lúa (các đại lý, cửa hàng bán phân bón - nông dược sẵn sàng biếu không) để cung cấp đúng và đủ lượng phân, loại phân cần thiết.
-Giảm thuốc trừ sâu bệnh bằng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM. Lợi ích: Tạo ra “lúa sạch” (không có dư lượng hóa chất độc hại), bảo vệ được các loài thiên địch có ích.
- ... sẽ đạt 3 tăng:
Tăng năng suất, tăng tỉ lệ lúa thương phẩm và bán được giá, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, do chủ động hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, nông dược diệt sâu bệnh mà môi trường đất và nước trong lành. Nhờ đó - tùy điều kiện từng nơi - bà con nông dân có thể phát triển thêm mô hình nuôi thủy sản nước ngọt trên đất lúa hoặc đưa cây màu xuống chân ruộng để tăng thêm thu nhập.
KS HOÀNG BẢO