3 năm gia nhập WTO: Gấp rút tái cấu trúc nền kinh tế

Đánh giá về tác động sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO tại hội thảo do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm qua (24-5), các bộ, ngành, chuyên gia đều có chung nhận định việc gia nhập WTO đã có nhiều tác động tích cực đối với Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, môi trường kinh doanh minh bạch hơn… Song hội nhập cũng khiến Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài ngày càng lớn.
3 năm gia nhập WTO: Gấp rút tái cấu trúc nền kinh tế

Đánh giá về tác động sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO tại hội thảo do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm qua (24-5), các bộ, ngành, chuyên gia đều có chung nhận định việc gia nhập WTO đã có nhiều tác động tích cực đối với Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, môi trường kinh doanh minh bạch hơn… Song hội nhập cũng khiến Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài ngày càng lớn.

  • Tác động tích cực về xuất khẩu, đầu tư

Theo ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc gia nhập WTO đã có tác dụng tích cực đến tăng trưởng kinh tế nước ta. điển hình năm 2007, nhờ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, rào cản thương mại tại các nước bạn hàng giảm, Việt Nam đã mở rộng thị phần sang các thị trường lớn như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... nhờ đó tăng kim ngạch xuất khẩu, sản lượng các ngành xuất khẩu đều tăng. Thị trường bên ngoài trở nên đa dạng và Việt Nam đã thâm nhập sâu hơn thị trường thế giới, xuất khẩu tăng mạnh, nhất là các năm 2007, 2008. Các thị trường trên chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta.

Hoàn thuế tại Cục Thuế TPHCM. Nhiều thủ tục trong lĩnh vực này đã cắt giảm khi gia nhập WTO. Ảnh: CAO THĂNG

Hoàn thuế tại Cục Thuế TPHCM. Nhiều thủ tục trong lĩnh vực này đã cắt giảm khi gia nhập WTO. Ảnh: CAO THĂNG

Lĩnh vực đầu tư cũng có tác động tích cực. Môi trường pháp lý minh bạch hơn, bình đẳng hơn, mức độ mở cửa cao hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Các điều kiện ưu đãi trong những hiệp định thương mại, đầu tư song phương và khu vực mà Việt Nam đã tham gia là những yếu tố quan trọng nhất thu hút đầu tư tại Việt Nam.

Tác động của việc gia nhập và thực hiện cam kết WTO thể hiện mạnh mẽ qua các số liệu: nếu thời kỳ 2001-2006 tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng  bình quân hàng năm 13,3% thì năm 2007, năm đầu tiên gia nhập WTO đã tăng cao kỷ lục, tới 27% (năm 2008 và 2009 do khủng hoảng tài chính, tốc độ tăng đầu tư còn 7,8% và 11,4%). Động lực chủ yếu khiến đầu tư toàn xã hội tăng cao trong năm 2007 là do khu vực FDI và ngoài nhà nước phát triển nhanh với tốc độ huy động vốn cao kỷ lục: 93,4% và 26,9%.

Một nguyên nhân khiến đầu tư năm 2008 tăng thấp hơn là do giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát (giảm 16,4% so với năm 2007) nhưng hai khu vực FDI và ngoài nhà nước vẫn tăng, tuy tốc độ chậm lại. “Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần tích cực vào việc huy động vốn đầu tư nền kinh tế. Theo tỷ lệ so với GDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội sau khi Việt Nam gia nhập WTO cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay: năm 2007 bằng 46,5% GDP, năm 2008 và 2009 lần lượt là 41,5% và 42,7%”, báo cáo của CIEM nhận định.

  • Đối mặt nhiều khó khăn

3 năm là quãng thời gian không dài để có thể đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về những ảnh hưởng của việc gia nhập WTO nhưng theo CIEM, bên cạnh việc tạo ra nhiều cơ hội song hành nhiều thách thức đan xen nhau và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam.

Chẳng hạn như năm 2008, do hội nhập sâu hơn nên việc giá nguyên liệu trên thế giới tăng cao đã tác động mạnh và nhanh hơn đến nền kinh tế, tạo sức ép lạm phát cao và tăng trưởng thấp hơn. Kinh tế các nước bạn hàng chính bước vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm lại cũng là yếu tố ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và FDI của Việt Nam. Do đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

3 năm gia nhập WTO: Gấp rút tái cấu trúc nền kinh tế ảnh 2

Sau khi gia nhập WTO, ngành dệt may tiếp tục tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu.Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, theo CIEM, nếu không hội nhập, tăng trưởng kinh tế năm 2008 cũng khó đạt mức 6,2% và mức 5,3% năm 2009. Về những hạn chế sau khi gia nhập WTO, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng GDP năm 2008 và 2009 giảm mạnh so với 2007 đã bộc lộ nhiều điểm yếu cơ bản về chất lượng tăng trưởng. Do cơ cấu hàng xuất khẩu không bền vững nên dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài. 

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần có sự thay đổi trong việc thu hút FDI, cần có sự ưu tiên trong các lĩnh vực cần thu hút và không cho đầu tư khai thác tài nguyên để xuất khẩu, bất động sản mà để cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đủ mạnh thì tạo cơ hội cho đầu tư và gắn kết với quốc tế. “Chúng ta không chỉ cần vốn nước ngoài mà còn cần cả sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước. Đó mới là chính sách lâu dài”, ông Mại nói.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, dường như Việt Nam “đang có sự lúng túng trong việc ứng phó với quá trình hội nhập trong bối cảnh khủng hoảng, chưa tận dụng hết cơ hội đã có”. Nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề quan trọng, cấp bách và lâu dài, nếu không làm tốt vấn đề này sẽ khó hội nhập thành công. 

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, sau 3 năm gia nhập WTO, chúng ta phải trả lời được câu hỏi năng lực hội nhập của Việt Nam như thế nào. Năm 2009 đã khẳng định năng lực phản ứng của nền kinh tế và năng lực điều hành của Chính phủ trước những biến động của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo ông Thiên, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp còn hạn chế. Chẳng hạn, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước còn kém, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

Kiến nghị về những chính sách trong thời gian tới, CIEM cho rằng, đối với FDI cần thực hiện ngay các giải pháp cơ bản, như thay đổi tư duy, có quan điểm mới về thu hút và sử dụng FDI; gắn chiến lược thu hút với giám sát quá trình thực thi, hoạt động; đề ra các chính sách phù hợp để loại bỏ các dự án không mong muốn và khuyến khích các dự án cần thiết, chú trọng đến chất lượng; cần tăng cường xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia và có các chính sách riêng với các đối tác trọng điểm như các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề nhập siêu và bình ổn cán cân thanh toán một cách cơ bản theo hướng phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để tăng giá trị gia tăng cho xuất khẩu. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô một cách kịp thời, linh hoạt và lựa chọn mục tiêu tăng trưởng hợp lý trong từng thời kỳ dựa trên thông tin phân tích và dự báo có tính chính xác, có căn cứ khoa học

NGỌC QUANG

Đề nghị DNNN, DN FDI báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng về chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để lấy ý kiến đóng góp. Theo dự thảo, các DNNN (bao gồm cả các tập đoàn kinh tế và văn phòng, công ty trực thuộc), DN có vốn đầu tư nước ngoài từ 100% đến chiếm tỷ trọng chi phối phải có báo cáo thống kê tháng, quý, 6 tháng và năm gửi Tổng cục Thống kê, cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nội dung báo cáo bao gồm: tình hình hoạt động (kết quả sản xuất kinh doanh, thuế và các khoản phí phải nộp, vốn đầu tư thực hiện…); vấn đề lao động (số lượng, thu nhập của người lao động…); hoạt động nghiên cứu khoa học (số lượng cán bộ nghiên cứu, chi phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, chỉ tiêu về ứng dụng khoa học, về công nghệ thông tin…); chỉ tiêu về xử lý rác thải doanh nghiệp và bảo vệ môi trường; các nhóm chỉ tiêu về đào tạo nghề, tai nạn lao động.

B.AN

Tin cùng chuyên mục