3 tháng cuối năm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Ngày 29-9, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9-2013. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
3 tháng cuối năm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Ngày 29-9, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9-2013. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

        Nền kinh tế phục hồi còn chậm

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2013, các nhiệm vụ đặt ra cho 3 tháng cuối năm là hết sức nặng nề. Vì vậy tinh thần chung là tiếp tục bám sát, kiên định mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, không chủ quan lơ là với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đi liền với đó là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 5,4%); phấn đấu nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra cho năm 2013, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của năm 2014 và các năm tiếp theo”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho biết, tại phiên họp này, Chính phủ nhận định, dự báo tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng đầu năm tốt hơn rất nhiều. KT-XH tiếp tục phát triển theo đà tốt, trên tất cả các mặt. Tuy nhiên, tốc độ tiến bộ chưa như mong muốn. Kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, với điều hành 9 tháng vừa qua thì cuối năm cơ bản đạt được chỉ tiêu đề ra. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, CPI tháng 9 tăng trên 1%, chủ yếu do giá dịch vụ, trong đó có việc khai giảng năm học mới, nhưng CPI 9 tháng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Dư địa 3 tháng còn lại, nếu theo chỉ tiêu đã trình Quốc hội và định hướng điều hành là 7% thì còn trên 2%, lấy số tròn là 0,8% một tháng. Theo tính toán những năm trước, năm nay sẽ đạt được chỉ tiêu về lạm phát. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp tăng dần theo các quý, quý 3 cao hơn quý 2, quý 1. Tăng trưởng GDP của quý 3 là 5,54%, quý sau cao hơn quý trước (quý 2 là 5%, quý 1 là 4,76%). Tính chung 9 tháng tăng trưởng ước đạt 5,14%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (5,1%). Cuối năm GDP có thể đạt 5,4 - 5,5%.

Các thành viên Chính phủ cho rằng, nền kinh tế phục hồi còn chậm, chưa thực sự vững chắc; tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt thấp hơn so với kế hoạch; thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm và thấp hơn cùng kỳ; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn… Vì vậy, những tháng còn lại của năm 2013, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bảo đảm đạt mục tiêu cả năm là 12%; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Duy trì ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; quản lý tốt thị trường vàng.

CPI tháng 9 tăng trên 1%, chủ yếu do giá dịch vụ, trong đó có việc khai giảng năm học mới (Trong ảnh: Sản xuất tập vở học sinh). Ảnh: KIM NGÂN

CPI tháng 9 tăng trên 1%, chủ yếu do giá dịch vụ, trong đó có việc khai giảng năm học mới (Trong ảnh: Sản xuất tập vở học sinh). Ảnh: KIM NGÂN

        Không để sản phẩm dùng cho trẻ em bị thao túng giá

Tại cuộc họp báo, trả lời phản ứng của Chính phủ về đề xuất tăng lương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tăng lương cho người lao động để đảm bảo thu nhập, đáp ứng nhu cầu đời sống ở thời điểm lạm phát tăng, ông Vũ Đức Đam xác nhận, hiện nay, Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính và Tổng LĐLĐ đang trình phương án điều chỉnh lương của DN.

Nêu ra thực trạng một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở chính sách để chuyển tên toàn bộ “sữa dành cho trẻ em” thành “thực phẩm bổ sung” và đẩy giá lên vù vù, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt Nam, báo chí đề nghị Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu rõ quan điểm của Chính phủ về xử lý vấn đề này. Chia sẻ sự bức xúc với dư luận, Bộ trưởng Vũ Đức Đam thẳng thắn nhìn nhận, đây rõ ràng là quản lý không tốt. Ông cho biết, để chấn chỉnh tình trạng này, Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan khẩn trương ban hành danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 15 Luật Giá (trước ngày 5-10-2013). Bộ Tài chính sẽ căn cứ Danh mục này để quản lý giá chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật về giá. “Thái độ của Chính phủ là rất nghiêm túc. Không thể để sản phẩm dùng cho trẻ em bị thao túng giá. Ở đây, có hiện tượng DN lợi dụng kẽ hở pháp luật để làm giá, trục lợi. Chúng tôi kêu gọi các DN kinh doanh, làm giàu nhưng phải văn minh, phải có tấm lòng và có trách nhiệm với cộng đồng” - ông Đam nói.

Trả lời câu hỏi về tình trạng nhiều bộ đang có số lượng thứ trưởng vượt so với quy định (Nghị định 36 năm 2012 nêu số lượng thứ trưởng mỗi bộ không quá 4 người, với Bộ quản lý Nhà nước nhiều ngành phức tạp thì được nhiều hơn 4 do Thủ tướng quyết định), ông Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ hiện nay đã yêu cầu tất cả các bộ báo cáo tình hình công việc của bộ mình, kiến nghị số lượng thứ trưởng cần thiết phải có để đảm bảo chức năng bộ mình. “Bộ Nội vụ đã tổng hợp, đang nghiên cứu để đề xuất phương án mỗi bộ cần bao nhiêu thứ trưởng. Hiện nay các bộ đang trao đổi. Chính phủ sẽ bàn riêng về việc này. Về số lượng thứ trưởng hiện nay, kể cả cấp phó của các bộ, các cục trực thuộc đều đang có tình trạng vượt quy định. Có thể nói rằng, tuyệt đại đa số các bộ đều có số lượng thứ trưởng nhiều hơn số lượng quy định tại nghị định” - ông Đam cho biết. Tinh thần chung Chính phủ chỉ đạo là sẽ xem xét, rà soát số lượng thứ trưởng ở các bộ để tùy từng bộ, có số lượng thứ trưởng tối thiểu cần thiết chứ không thể máy móc chỉ có 3 hay 4. Chính phủ sẽ báo cáo các cơ quan của Đảng, cơ quan có thẩm quyền để có kết luận cuối cùng.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục