4 phương pháp xác định giá đất: Quá nhiều!

Ngày 9-6, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các ý kiến đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, đền bù tái định cư, định giá đất…
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ. Ảnh: QUANG PHÚC
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, dự thảo đã liệt kê chi tiết các trường hợp bị trưng dụng đất, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, “nếu liệt kê quá kỹ sẽ dễ bị thiếu, dẫn đến không đầy đủ và quá trình tổ chức triển khai thực hiện có thể gây khó cho các địa phương”.

Do đó, ĐB Đặng Bích Ngọc cho rằng cần những quy định cụ thể, nhưng cũng phải linh hoạt vì có những trường hợp vừa phải đảm bảo theo quy định và đảm bảo hợp tình, hợp lý.

Đóng góp ý kiến về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị chỉnh sửa quy định dự án luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp.

Đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, ĐB đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định (có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận).

Các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: PHAN THẢ0

Các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: PHAN THẢ0

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, dự thảo yêu cầu UBND cấp huyện phải lập quy hoạch sử dụng đất hàng năm sẽ rất phức tạp, mất thời gian, điều đó cũng gây khó cho doanh nghiệp. Do đó, ĐB đề nghị điều chỉnh thời gian lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện là 5 năm.

Cùng quan điểm, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng cho rằng, nếu hàng năm cứ loay hoay với kế hoạch sử dụng đất, rồi liên quan đến bảng giá đất, thì “sẽ không làm ăn được gì” vì hàng năm phải chuẩn bị để trình ra HĐND ở các kỳ họp, rất chậm. Nếu thực hiện từ tháng 1 hàng năm thì từ giữa năm trước đã phải chuẩn bị để trình ra HĐND cuối năm, “sẽ không thể làm được”. Do đó, ĐB đề nghị không điều chỉnh 1 năm, mà cần có thời gian ổn định, bảng giá đất cần ổn định, chỉ điều chỉnh khi có biến động. Doanh nghiệp họ cần ổn định để làm ăn.

Một vấn đề khác, ĐB Trần Xuân Cường (Đà Nẵng) cho rằng, có quá nhiều phương pháp xác định giá đất, sẽ rất khó thực hiện cho địa phương.

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: PHAN THẢO
ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: PHAN THẢO

Đây cũng là băn khoăn của nhiều ĐB khi cho rằng, có tới 4 phương pháp xác định giá đất, mà lại phải chọn phương pháp có lợi nhất cho ngân sách. “Chắc chắn 4 phương pháp sẽ ra 4 giá đất khác nhau, và cơ quan thanh tra thì rất dễ bắt lỗi người làm, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp. Đó là chưa kể, mỗi phương pháp sẽ phải thuê cơ quan tư vấn. Không biết ngân sách thu lợi được bao nhiêu, nhưng tiền thuê tư vấn là không hề nhỏ.

Như vừa rồi Đà Nẵng khi cần định giá lại 1 lô đất, muốn thuê tư vấn thì họ đã báo giá hơn 1 tỷ đồng. Trong bối cảnh nhiều cán bộ “sợ sai” hiện nay, thì để an toàn, họ sẽ thuê tư vấn cho khách quan, như thế thì phát sinh rất nhiều chi phí”, ĐB Nguyễn Văn Quảng chỉ ra. Do đó, ĐB đề nghị tính toán lại, phương pháp nào bảo đảm nhất thì sử dụng, nhiều nhất chỉ 1-2 phương pháp. Mặt khác, quy định “có lợi nhất cho ngân sách” cũng không phù hợp, bởi “đừng chỉ nhìn vào khía cạnh đất đó sẽ có lợi bao nhiêu cho ngân sách khi định giá, mà nên nhìn thấy đất đó có lợi ra sao khi được đưa vào sử dụng”.

Đáng chú ý, qua phát biểu của các ĐB nổi lên vấn đề: liên quan đến vận dụng pháp luật. Vừa phải áp dụng Luật Đất đai nhưng cũng phải dẫn chiếu các luật khác. Vậy khi có những quy định trong Luật Đất đai mà không phù hợp với luật khác thì áp dụng ra sao? Ví dụ Luật Đất đai không xác định thẩm quyền thu hồi đất rừng cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong khi đó, Luật Lâm nghiệp lại cho phép, vậy thực hiện theo luật nào? Do đó, các ý kiến đề nghị nếu Luật Đất đai ra đời thì phải lấy Luật Đất đai làm gốc, thực hiện theo, vì các luật liên quan không thể sửa kịp cùng lúc.

Tin cùng chuyên mục