4 tàu cảnh sát biển vùng 4 và Hải quân vùng 5 đã tiếp cận vùng biển nghi máy bay rơi

8 giờ 30 phút sáng 9-3, Chuẩn đô đốc, Doãn Văn Sở-Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết: lúc 3 giờ 30 sáng 9-3, tàu hải quân HQ 954 đã đến vị trí khu vực biển nghi máy bay Malaysia gặp nạn. Tàu HQ 637đến vị trí này khoảng 6 giờ sáng. Hiện 2 tàu đang tích cực tìm kiếm tại 2 điểm khác nhau trong khu vực biển này, theo chỉ định của Binh chủng Hải Quân.
4 tàu cảnh sát biển vùng 4 và Hải quân vùng 5 đã tiếp cận vùng biển nghi máy bay rơi

Vụ máy bay Malaysia Airlines chở 239 người mất tích

8 giờ 30 phút sáng 9-3, Chuẩn đô đốc, Doãn Văn Sở-Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết: lúc 3 giờ 30 sáng 9-3, tàu hải quân HQ 954 đã đến vị trí khu vực biển nghi máy bay Malaysia gặp nạn. Tàu HQ 637đến vị trí này khoảng 6 giờ sáng. Hiện 2 tàu đang tích cực tìm kiếm tại 2 điểm khác nhau trong khu vực biển này, theo chỉ định của Binh chủng Hải Quân.

Việc tìm kiếm bắt đầu từ khu vực phía bắc của vết dầu loang mà máy bay AN 26 đã phát hiện được vào chiều hôm qua. Ngoài ra, theo Chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở, các tàu khác của lực lượng Hải quân vùng 5 trong tư thế đang sẵn sàng chờ lệnh điều động lên đường cứu hộ máy bay Malaysia gặp nạn.

Tối 8-3, hai tàu CSB 2001 và CSB 2002 của Cảnh sát biển của vùng 4 đã tiếp cận được vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia, nơi nghi là máy bay Boeing B777-200ER bị rơi. 2 tàu này được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn và các thiết bị vật tư y tế hiện đại… Khi đến nơi, 2 tàu của Cảnh sát biển của vùng 4  triển khai các hoạt động tìm kiếm, sử dụng camera quan sát đêm trên vùng biển trong phạm vi hơn 130 km² và tại khu vực phát hiện có vết dầu loang. Tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện được gì tại hai khu vực nói trên. Như vậy, đến nay đã có 6 tàu Việt Nam tham gia cứu hộ ( 2 tàu Trung tâm cứu hộ, 2 tàu Cảnh sát biển và 2 tàu của Vùng 5 Hải Quân). 

Tại Cà Mau, sau khi đáp xuống sân bay Cà Mau vào khoảng 16 giờ 30 phút chiều 8-3, hai chiếc máy bay Mi 17102 và Mi 17104 của không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917-Sư đoàn 370) đã sẵn sàng chờ lệnh.

Điểm tìm kiếm thuộc khu vực cách Bãi Cạn Cà Mau (Nhà giàn DK10) khoảng 50 km. Cách Mũi Cà Mau khoảng 250 km, trên vùng biển phía Tây Nam, nơi phát hiện vết dầu loang nghi là tung tích của máy bay Malaysia gặp nạn.

Sáng 9-3, trao đổi với PV, ông Nguyễn Long Hoai – Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, lực lượng của đơn vị đã trực 24/24, tuy nhiên tính từ sáng  8-3 đến hiện tại vẫn chưa nhận được thông tin báo về của đơn vị nào.

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến sáng nay tại khu vực máy bay mất tích đã có 13 máy bay, 29 tàu của các quốc gia tham gia tìm kiếm. Trong đó, phía Malaysia có 6 máy bay, 6 tàu; Trung Quốc có 2 máy bay, 14 tàu;  Philippine có 1 máy bay, 3 tàu; Singapore có 1 máy bay C130; Việt Nam có 3 máy bay, 6 tàu.

Bình Đại   

             --------------------------------------------------------------------------- 

Ngày 8-3, chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) chở 239 người trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh đã mất tích.

Máy bay Boeing 777-200 được cho là an toàn nhất theo thống kê của các chuyên gia. Trong 19 năm hoạt động của loại máy bay này, chỉ có 1 lần tai nạn là vào tháng 7-2013 khi chiếc máy bay của Hãng hàng không Asiana Airlines đáp trượt đường băng tại San Francisco làm 3 trong số 307 người trên máy bay thiệt mạng (1 trong 3 người bị xe cấp cứu cán chết). Ngoài ra còn một số sự cố nhỏ khác không đáng kể.
Phó Chủ tịch điều hành Trung tâm kiểm soát bay MAS Fuad Sharuji cho biết chiếc máy bay rời Kuala Lumpur lúc 23 giờ 41 phút ngày 7-3 (giờ Việt Nam) và dự kiến hạ cánh tại Bắc Kinh vào lúc 5 giờ 40 phút sáng 8-3. Trên máy bay gồm 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Trong đó Trung Quốc có 154 khách (1 trẻ em); Malaysia 38; Ấn Độ 5; Indonesia 7; Australia 6; Pháp 4; Mỹ 3 (1 trẻ em); New Zealand 2; Ukraine 2; Canada 2; Nga 1; Italia 1; Hà Lan 1; Áo 1.

Tại thời điểm mất liên lạc từ lúc 0 giờ 30 phút sáng 8-3, máy bay có nhiên liệu đủ để hoạt động trong khoảng 7,5 giờ. Lần cuối chiếc máy bay liên lạc với mặt đất khi nó ở vị trí cách Kota Baru (thủ phủ tỉnh Nam Kalimantan, Indonesia) 120 hải lý về phía Đông. Theo các chuyên gia Việt Nam, căn cứ trên bản đồ dẫn đường bay, vị trí máy bay mất liên lạc cách bờ biển mũi Cà Mau của Việt Nam khoảng 160 hải lý (gần 300km).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nước liên quan, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và các cơ quan liên quan của Việt Nam để khẩn trương thực hiện công tác TKCN. Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với lực lượng của phòng không - không quân, hải quân triển khai phương án phối hợp tìm kiếm tại khu vực giáp ranh giữa vùng FIR TPHCM và FIR Kuala Lumpur (Malaysia), nơi máy bay mất liên lạc và kiểm soát radar. Các phương tiện máy bay, tàu của lực lượng phòng không không quân, hải quân, cảnh sát biển Việt Nam đã nỗ lực tham gia tìm kiếm chiếc máy bay này.

Thân nhân hành khách trên chuyến bay bị mất liên lạc òa khóc tại sân bay Bắc Kinh.

Thân nhân hành khách trên chuyến bay bị mất liên lạc òa khóc tại sân bay Bắc Kinh.

An ủi người thân hành khách trên máy bay bị mất tích tại sân bay Bắc Kinh.

An ủi người thân hành khách trên máy bay bị mất tích tại sân bay Bắc Kinh.

Chiều 8-3, 1 chiếc trực thăng của Việt Nam đã phát hiện một vùng có màu khác lạ so với nước biển (nghi là vết dầu loang) có chiều dài 20km, tại tọa độ 07055’N, 103018’52"E. Vị trí phát hiện cách đảo Thổ Chu khoảng 150km và cách Mũi Cà Mau khoảng 190km. Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nhận định, vệt nghi dầu loang kéo dài tới 20km có khả năng có liên quan tới chiếc máy bay mất tích. Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết, hiện phạm vi tìm kiếm của Việt Nam là 10.000km² trên biển. Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, công tác tìm kiếm đang được triển khai cả trên không, trên biển.

Đến 19 giờ ngày 8-3, tàu cứu hộ 2001 đã tiếp cận khu vực được cho là máy bay rơi. Tuy nhiên, sau hơn 2 giờ tìm kiếm vẫn chưa có kết quả.

Ngày 8-3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc và chia sẻ nỗi lo của các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay. Ngay sau khi nhận được thông tin chuyến bay MH 370 của Hãng hàng không Malaysia bị mất tín hiệu, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bên liên quan xác minh thông tin và triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn”.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có công điện chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hàng không, trong đó yêu cầu Cục Hàng không áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh tăng cường cấp độ 1; các cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an ninh, an toàn hàng không nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; các hãng hàng không tăng cường thực hiện công việc giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy trình khai thác và bảo dưỡng máy bay đối với tất cả các chuyến bay quốc tế và quốc nội.

Trên máy bay có 2 người sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp?

Theo báo The Mirror (Anh), có 2 người được liệt kê nằm trong danh sách 227 hành khách trên chuyến bay xác nhận họ vẫn an toàn và cho biết hộ chiếu của họ bị mất cắp. Người thứ nhất là anh Luigi Maraldi, 37 tuổi, ở Cesena, Italia, cho biết anh bị mất hộ chiếu vào tháng 8-2013. Hãng thông tấn ANSA cho biết anh đang ở Thái Lan và vẫn khỏe. Người thứ hai là anh Christan Kozel, 30 tuổi, quốc tịch Áo. Anh này cho biết bị mất hộ chiếu khi đi du lịch Thái Lan cách đây 2 năm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Áo đã xác nhận anh này vẫn đang ở nhà.

*****

Một số thời điểm đáng nhớ (giờ Việt Nam)

9 giờ 15: Xuất hiện tin đồn chuyến bay MH370 đáp khẩn cấp ở Nam Ninh, Trung Quốc nhưng vài phút sau, MAS đã phủ nhận.

12 giờ: Trung Quốc điều 2 tàu cứu hộ tham gia hoạt động tìm kiếm máy bay.

12 giờ 10: Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh thiết lập đường dây nóng liên quan đến mọi thông tin về máy bay.

12 giờ 30: Thông tin từ trang web của Chính phủ Việt Nam cho biết chuyến bay MH370 mất liên lạc gần không phận tỉnh Cà Mau trước khi vào vùng quản lý bay của TPHCM.

14 giờ: Hải quân Malaysia liên lạc với Hải quân Việt Nam kiểm chứng thông tin cho rằng liên quan đến dấu vết của máy bay.

17 giờ: Việt Nam, Singapore, Philippines và Mỹ cùng Malaysia phối hợp tìm kiếm chiếc máy bay.

18 giờ: Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak cho biết khu vực tìm kiếm được mở rộng.

Theo The Star

NHÓM PV

>> Việt Nam tích cực triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn

>> Máy bay hãng Malaysia Airlines rơi cách đảo Thổ Chu của Việt Nam khoảng 153 hải lý

>> Hải quân Malaysia tiếp xúc với hải quân Việt Nam tìm kiếm máy bay mất tích

Tin cùng chuyên mục