1. Một ngày cuối tháng 5, Bảo lướt mạng, thấy Thành đoàn TPHCM tuyển tình nguyện viên trực chốt giao thông ở các cửa ngõ ra vào quận Gò Vấp đang giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vừa tò mò, vừa hứng thú, Bảo để lại thông tin đăng ký. Mẹ rất ủng hộ Bảo làm những việc tình nguyện này. Nhà ở TP Thủ Đức, trực chốt giao thông ở Gò Vấp, sợ con cực nên những ngày đầu, Bảo được mẹ chở đi bằng xe máy, hết ca, mẹ đến chở về.
Hết tháng 6, Bảo chuyển sang trực ở phường 24, quận Bình Thạnh. Lúc này, công việc của Bảo là hướng dẫn người dân đến tiêm vaccine Covid-19, sau này còn thêm phụ lấy mẫu test Covid-19… Khi toàn TPHCM áp dụng Chỉ thị 16, mẹ không thể tiếp tục đưa đón, Bảo dùng xe đạp mình vẫn đi học trong 2 năm cấp 3 để đến điểm làm việc. Mỗi ngày chàng trai 17 tuổi và chiếc xe đạp chạy ít nhất 8km, có hôm đến 14-16km/ngày. Bảo nói: “Ở đâu thiếu người là tụi em chạy đến, xong điểm này là di chuyển qua điểm khác. Có khi đang nghỉ ngơi ở nhà, nghe thông tin mấy ngàn người dân đang đến tiêm vaccine, cần tình nguyện viên gấp, bất kể mưa nắng, ngược gió, em đạp xe ngay đến để kịp phục vụ”.
Mẹ Bảo thì cho rằng, việc tình nguyện đi chống dịch là cơ hội cho cậu con trai cấp 3 tự cọ xát, tự trưởng thành. Nhưng rồi sau đó dịch bùng lên, mấy lần mẹ Bảo lo lắng, “bắt” Bảo ở nhà. Nhưng ở nhà vài hôm, cậu con trai lại nài nỉ xin đi. Chàng trai 17 tuổi kể lại một kỷ niệm nhớ đời cách nay hơn 1 tháng, khi đó Bảo sốt gần 40 độ, mất vị giác, tay chân rã rời. Hoảng hồn, tưởng mình đã nhiễm bệnh, Bảo tự cách ly trong phòng, hồi hộp chờ kết quả qua nhiều lần xét nghiệm. Rất may, xét nghiệm 3 lần và PCR đều âm tính, cậu lại lên đường tình nguyện với chiếc xe đạp của mình.
2. Mùa hè này là những nỗi âu lo dài của cô .Hoàng Hương Giang - mẹ Bảo. “Tôi dặn dò con giữ gìn sức khỏe trước tiên cho bản thân mình, nhớ về sớm, mẹ không thể sắp xếp việc học năm cuối cấp, hay bảo đảm an toàn giùm con. Sợ con ham tình nguyện quá đà, tôi cứ dọa không cho đi nữa. Dõi theo từng ngày của con, tin tưởng con từng ngày trưởng thành, biết thương người, biết cống hiến, có ý thức tự học, tự sắp xếp mọi thứ”, cô Giang nói. Qua những cuộc tâm sự hàng đêm, Bảo biết mẹ tự hào về mình, nhưng niềm tự hào đó chỉ giữ riêng trong lòng hai mẹ con, vì để Bảo được đi chống dịch, mẹ Bảo đã giấu cả họ hàng. Có ai trong nhà hỏi, cô Giang cứ nói gọn ghẽ: “Bảo lên trường”.
Bảo tuổi 17, vẫn hồn nhiên, thích phiêu lưu khám phá và vui khi kể tới những người bạn trong đội tình nguyện ăn ý. Gần hết họ là F0, nhiễm trước hoặc trong khi làm nhiệm vụ, nhưng vẫn quay lại cống hiến. Vài phút rảnh rỗi giữa giờ làm việc, họ kể những câu chuyện đời thường động viên tinh thần nhau. “Bác tổ trưởng sẵn sàng cho tụi em mượn cả cái sân nhà để lấy mẫu, cho mượn bàn ghế, thùng rác nữa. Nhiều khi không kịp ăn, mệt quá, tụi em vào nhà dân xin nước, xin bánh, họ cho nước lạnh hẳn hoi, tụi em xoay ca người này ăn, người kia làm”, Bảo kể như khoe.
Trước khi TPHCM bùng phát dịch, thấy hàng ngàn công nhân ở Bắc Giang bị nhiễm, cậu học sinh lớp 11 này đã cùng 2 người bạn viết các bài đăng kêu gọi quyên góp trên Facebook cá nhân… Cứ thế, những dòng trạng thái của nhóm học sinh được bạn bè, cha mẹ, thầy cô chia sẻ rộng hơn. Từng giờ trôi qua, những lượt quyên góp báo về tài khoản liên tục. “Tụi em ngạc nhiên lắm, hạnh phúc nữa. Nhưng không nổi tiếng hay to lớn gì đâu, toàn là của người quen ủng hộ thôi”, Bảo chia sẻ. Thành quả của dự án nhỏ này sau đó còn giúp Quận đoàn Gò Vấp, Quận đoàn 3, các cửa hàng thực phẩm 0 đồng, các bếp ăn từ thiện, ủng hộ mua dụng cụ y tế… Số tiền 3 mà em học trò khiêm tốn này đã kêu gọi được lên tới hơn 80 triệu đồng.