4 tháng vào WTO, thị trường gas chuyển động

Nhiều cuộc sáp nhập, mua bán đã diễn ra. Để cạnh tranh giảm giá thành, công ty nào cũng đầu tư kho chứa, cầu cảng, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng… Đã xuất hiện tín hiệu đáng mừng, một số thương hiệu nội địa đang nổi lên chiếm giữ những vị trí quan trọng trên thị trường gas Việt Nam. Làn sóng sáp nhập, thôn tính
4 tháng vào WTO, thị trường gas chuyển động

Nhiều cuộc sáp nhập, mua bán đã diễn ra. Để cạnh tranh giảm giá thành, công ty nào cũng đầu tư kho chứa, cầu cảng, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng… Đã xuất hiện tín hiệu đáng mừng, một số thương hiệu nội địa đang nổi lên chiếm giữ những vị trí quan trọng trên thị trường gas Việt Nam.

Làn sóng sáp nhập, thôn tính

Cách đây một năm, thị trường gas Việt Nam (VN) đứng trước nỗi lo thiếu nhạc trưởng, thiếu sự liên kết, bị động nguồn khí và một nỗi lo quan trọng hơn: đó là sự xuất hiện của các đại gia dầu khí nước ngoài với ý định săn tìm mua lại những thương hiệu gas đã có thị phần.

Nhưng 4 tháng sau hội nhập WTO, thị trường xuất hiện những tín hiệu rất mới: đó là sự sáp nhập, thôn tính của chính các thương hiệu nội địa để hình thành những đại gia mới 100% VN trong ngành kinh doanh khí. Chuyển động đầu tiên là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với kế hoạch quy hoạch, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống tổ chức các công ty con thành viên.

Ba thương hiệu gas Petechim, Mekong Petro và Công ty Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam chính thức sáp nhập thành Công ty Petro VN Gas South. Mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, sản lượng bán lên đến hơn 7.000 tấn/tháng. Đại gia Petrolimex Gas cũng làm một cuộc chuyển đổi ngoạn mục với lộ trình cổ phần hóa, sáp nhập, sắp xếp lại toàn bộ mạng phân phối trên cả nước. Với sự cải tổ này, Petrolimex Gas xuất hiện trên sàn chứng khoán với tầm cỡ công ty gas lớn thứ hai trong top 10 các công ty gas lớn nhất VN, nắm giữ đến 15% thị phần gas VN.

Kiểm tra gas trước khi xuất xưởng tại Nhà máy Gia Đình Gas của Anpha Petrol. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kiểm tra gas trước khi xuất xưởng tại Nhà máy Gia Đình Gas của Anpha Petrol. Ảnh: VIỆT DŨNG

Một đại gia dầu khí 100% VN khác đang nổi lên như một hiện tượng trên thị trường gas, đó là Công ty Dầu khí Anpha SG (Anpha Petrol). Là công ty lớn thứ ba ở VN (chỉ sau PTSC và Vinashin) trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tàu vận chuyển dầu khí, từ năm 2004, Anpha Petrol bước sang cả lĩnh vực kinh doanh kho chứa gas và phân phối gas dân dụng. Nắm trong tay một hệ thống gồm 7 kho bồn chứa gas rải đều khắp cả nước, kho gas Đình Vũ (Hải Phòng) sức chứa 1.800 tấn thuộc tập đoàn Anpha hiện là kho chứa gas lớn nhất miền Bắc.

Đầu năm nay, Anpha Petrol vừa làm một cuộc cách mạng ngoạn mục trên thị trường gas. Gọi là ngoạn mục bởi lâu nay, chỉ có các tập đoàn lớn nước ngoài thôn tính các thương hiệu gas VN, nhưng lần đầu tiên, một công ty lớn nội địa mở cuộc săn lùng các thương hiệu gas có thị phần tốt trong nước.

Nhằm mục đích mở rộng thị trường nhanh nhất, sau khi sở hữu nhãn hiệu Gia Đình Gas phía Nam, Anpha Petrol đã quyết định đầu tư mua lại 100% vốn Gia Đình Gas Hà Nội. Tháng 3 vừa qua, hệ thống Anpha lại nắm thêm trong tay hai thương hiệu gas khác: JP Gas (mạng bán phủ khắp khu vực miền Đông) và thương hiệu Đăk Gas (mạng bán phủ khắp Tây Nguyên).

Với 4 công ty con chuyên kinh doanh gas công nghiệp và gas dân dụng, sản lượng bán lên đến 7.000 tấn gas/tháng, Anpha Petrol đã làm thay đổi thứ hạng khi nhảy một bước vào top 5 công ty có mạng bán phủ khắp cả nước, nắm giữ trong tay gần 10% thị phần gas VN.

Sẽ khó khăn nếu không đầu tư bài bản

Lãnh đạo Công ty CP Petrolimex Gas nhận định, thị trường gas sau hội nhập bắt đầu có sự phân hóa lớn. Sân chơi hiện nay là sân chơi của những nhà đầu tư bài bản, thị trường lớn. Và cơ hội chỉ thuộc về những công ty nào nắm vững thị trường bán lẻ. Một loạt các cuộc sáp nhập, mua bán công ty, liên kết thương hiệu gần đây đã thay đổi lớn cuộc xếp hạng thị phần, quy mô, vị trí của các công ty trên thị trường gas. Điều đáng mừng, những tên tuổi làm nên sự thay đổi này lại là các thương hiệu nội địa (không phải các tập đoàn lớn nước ngoài như trước đây).

Một thực tế phải thừa nhận, thị trường gas VN 10 năm qua liên tục bị động và lệ thuộc lớn vào nguồn gas nhập khẩu. Lượng gas sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được chưa tới 40% nhu cầu. Thị trường sau WTO với sự xuất hiện ngày càng nhiều những đại gia đến từ nước ngoài đã buộc ngành gas VN phải chuyển động theo hướng mới.

Giải pháp tồn tại hiện nay không cách nào khác là chủ động và giảm được giá thành. Một hiện tượng phổ biến diễn ra trong vòng 6 tháng qua, đó là hiện tượng các công ty gas ồ ạt thi nhau đầu tư kho chứa. Petro VN Gas lên kế hoạch xây 3 kho chứa lớn, có kho lên đến 10.000 tấn. Petrolimex lên kế hoạch đầu tư 2 kho và 1 hệ thống cầu cảng mới. Anpha Petrol là công ty dầu khí duy nhất có đủ hệ thống từ tàu bè (một đội tàu vận chuyển 4 chiếc), kho chứa, đến mạng phân phối bán lẻ. Vinagas lên kế hoạch phủ khắp mạng bán ra các tỉnh hành…

Điểm yếu của các công ty gas nội địa so với các công ty gas nước ngoài như Elf, Total, Shell… hiện nay là không chủ động được nguồn gas nhập khẩu. Giải quyết vấn đề này nhiều công ty lớn đang tính chuyện liên doanh khai thác tận gốc, tìm nguồn giá rẻ để chủ động trong cuộc cạnh tranh sắp tới. Thị trường gas đang chuyển mình, sự chuyển mình này hứa hẹn sự phát triển vững vàng hơn cho những thương hiệu gas nội sau WTO. 

SONG ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục