Thị trường gas năm 2007

Thi nhau xây kho chứa gas

Sản lượng tăng, nhưng lợi nhuận không cao 
Thi nhau xây kho chứa gas

Thị trường gas trong nước năm 2006 có quá nhiều biến động, giá gas lên xuống thất thường, đồng thời tình trạng chiếm dụng vỏ bình để sang chiết lậu diễn ra bát nháo... Nên mặc dù sản lượng gas bán ra tăng mạnh, nhưng các công ty gas vẫn không vui…

Sản lượng tăng, nhưng lợi nhuận không cao 

Ông Trần Trung Chính, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Khí hóa lỏng VN (VT-Gas) cho biết, sản lượng gas bán ra trên thị trường của VT-Gas trong năm 2006 đạt 71.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2005.

Thi nhau xây kho chứa gas ảnh 1
VT-Gas - một trong những công ty có sản lượng gas tiêu thụ trên thị trường tăng trưởng khả quan. Ảnh: V.T.

Đây là mức tăng trưởng cao nhất mà Công ty VT Gas đạt được từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam năm 1994. Mặc dù mới xuất hiện trên thị trường gas chưa đầy 4 năm, nhưng sản lượng gas bán ra của Công ty Vinagas cũng đã đạt đến cột mốc 30.000 tấn/năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2005.

Một trong những thương hiệu gas chiếm thị phần khá lớn về mặt hàng gas dân dụng là Saigon Petro (SP) cho biết, sản lượng gas tiêu thụ bình quân của SP trên thị trường hiện nay đạt khoảng 6.000-6.500 tấn/tháng.

Tương tự, ông Nguyễn Sĩ Thắng, Giám đốc Công ty Petro VN Gas cũng phấn khởi cho biết, thị trường gas năm qua tuy có nhiều biến động, nhưng Petro VN Gas vẫn giữ được mức tăng trưởng khả quan.

Tuy nhiên, phải thấy rằng, giá gas thế giới thay đổi liên tục và không theo quy luật như những năm trước, gây khó khăn rất nhiều cho các đầu mối nhập khẩu gas trong nước. Nếu như giá gas thế giới tháng 1-2006 là 580 USD/tấn, đến tháng 2-2006 tăng lên 624 USD/tấn và tháng 3-2006 giảm xuống còn 530 USD/tấn và đến tháng 4-2006 giảm thêm 100 USD/tấn, còn 430 USD/tấn. Tuy nhiên, đến tháng 6-2006 lại tăng lên 542 USD/tấn...

Thêm vào đó, nguồn gas nhập khẩu thiếu ổn định, cộng với nạn sang chiết gas trái phép tràn lan… khiến công việc kinh doanh gas của các công ty gas gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, mặc dù sản lượng gas tăng mạnh, nhưng nhiều công ty kinh doanh gas vẫn không vui bởi lợi nhuận không cao.

Xây kho chứa gas - giải pháp cho mùa kinh doanh mới

Ngay sau khi có thông tin: Nhà máy Dinh Cố trong nước thông báo cắt giảm sản lượng, phía Thái Lan cũng tuyên bố giảm sản lượng xuất khẩu gas để dự trữ năng lượng quốc gia, ngoài ra, khối OPEC cũng giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô…, nên không hẹn mà gặp, các công ty kinh doanh gas đồng loạt chạy đôn chạy đáo để tìm đất, xây dựng kho chứa.

Đơn vị tích cực nhất trong việc mở rộng hệ thống kho chứa gas chính là Công ty VT-Gas. Theo đó, ngoài việc nâng cấp kho chứa gas tại cảng Đồng Nai từ 800 tấn lên 1.000 tấn, trong năm 2007, VT-Gas sẽ xây dựng thêm một kho chứa có công suất khoảng 1.000-2.000 tấn tại cảng Dung Quất để phục vụ thị trường khu vực miền Trung.

Ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh gas của SP cho biết, trong năm 2007 kho chứa gas tại Nghệ An của SP cũng sẽ đi vào hoạt động. Đây là sản phẩm liên doanh giữa SP với tỉnh Nghệ An để phục vụ thị trường khu vực phía Bắc. Ngoài ra, thị trường gas đầu năm 2007 còn đánh dấu sự ra đời của 2 kho chứa gas của tư nhân có công suất lên đến hàng ngàn tấn tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Các công ty kinh doanh gas cho biết, việc xây dựng một kho chứa có công suất 1.000 tấn tốn hàng chục tỷ đồng, đồng thời, việc thu hồi vốn cũng rất chậm. Thế nhưng, họ vẫn mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để xây dựng kho chứa.

Theo họ, việc “bùng nổ” các kho chứa gas trong năm 2007 sẽ góp phần rất lớn vào việc điều tiết thị trường gas nội địa theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là cách mà các nhà nhập khẩu gas trong nước chủ động đối phó trước những biến động của giá gas thế giới.

Theo đó, nếu có kho chứa gas, các công ty kinh doanh gas không còn e ngại về việc giá gas thế giới lên xuống thất thường, gây thua lỗ cho họ. Ngược lại, họ có thể chủ động được nguồn gas cung ứng cho thị trường.

Cùng với việc “bùng nổ” kho chứa gas, các công ty kinh doanh gas cũng mở rộng mạng lưới trạm chiết. Ngay sau khi xây dựng xong 4 trạm chiết vệ tinh của mình tại khu vực Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và quận 12, Công ty Vinagas cũng đã hoàn tất các thủ tục để xây thêm trạm chiết với công suất 1.200 tấn/tháng tại tỉnh Đắc Lắc để phục vụ thị trường khu vực Tây Nguyên.

Tương tự, Công ty VT-Gas cũng đã lên kế hoạch phát triển thêm 6 trạm chiết vệ tinh tại các khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL... Ngoài ra, công ty này còn dự kiến xây dựng hệ thống mạng lưới trạm chiết do các đại lý tự bao tiêu sản phẩm độc quyền cho VT-Gas.

Có thể nói, trong khi thị trường gas trong nước vẫn còn buông lỏng khâu quản lý, thì việc các công ty chủ động đầu tư xây dựng kho chứa là điều rất cần thiết. Một khi các công ty kinh doanh gas bắt tay nhau, chắc chắn giá gas trong nước sẽ ổn định.

Tuy nhiên, muốn đạt được điều này, Hiệp hội gas cũng cần phải ra đời sớm để làm nhạc trưởng, điều tiết những bất ổn của thị trường gas hiện nay.

ĐÀO THỤY

Tin cùng chuyên mục