40 năm làm cầu nối ý Đảng, lòng dân

40 năm làm cầu nối ý Đảng, lòng dân

Báo SGGP kỷ niệm ngày ra số báo đầu tiên (5-5-1975 - 5-5-2015)

Trong không khí hào hùng của những ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 3-5, Báo SGGP tổ chức trang trọng lễ kỷ niệm 40 năm ngày Báo SGGP ra số báo đầu tiên (5-5-1975 _ 5-5-2015).

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cùng đông đảo các thế hệ người làm Báo SGGP, các đồng nghiệp và bạn đọc báo.

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM chung vui cùng đội ngũ những người làm Báo SGGP tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tự hào sự kiện “Sài Gòn Giải Phóng”

Ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước.

Nhớ lại những ngày đầu giải phóng, tiếp quản TP Sài Gòn, những người làm báo vẫn khắc sâu trong ký ức không khí người dân TP náo nức đón chờ và chen chân trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) để mua cho được tờ báo cách mạng phát hành đầu tiên vào buổi chiều ngày 5-5-1975 dưới măng sét “Sài Gòn Giải Phóng” đỏ tươi, in offset khổ lớn với số lượng kỷ lục: 460.000 bản. Báo Sài Gòn Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành ủy TPHCM) đã ra mắt cán bộ, chiến sĩ, nhân dân TP và cả nước. Đây là tờ báo kế thừa truyền thống các tờ báo của Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (từ tờ Cảm tử, Chống xâm lăng thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đến tờ Ngọn cờ Gia Định, Cờ Khởi nghĩa, Cờ Giải phóng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước).

Nhận thức sự quan trọng của công tác tư tưởng, Trung ương Cục miền Nam chủ động tiếp quản báo chí Sài Gòn, ra mắt tờ báo cách mạng số đầu tiên; đội ngũ nòng cốt của tờ báo Giải Phóng đã hình thành bộ phận biên tập và bộ phận hậu cần dưới sự điều hành trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Khuynh (Hai Khuynh) và Nguyễn Ngọc Thưởng (Sáu Thưởng). Sau 15 số, báo hoàn thành nhiệm vụ của những ngày đầu quân quản, chính thức chuyển từ cơ quan ngôn luận của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định thành cơ quan ngôn luận của Đảng bộ TPHCM với tôn chỉ mục đích là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo SGGP, khẳng định: “Ban Biên tập, Tổng Biên tập, Đảng ủy và toàn thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên của báo qua các thời kỳ, đã và đang giữ vững tôn chỉ mục đích của báo, giữ vững vai trò cầu nối ý Đảng lòng dân. Cùng với sự phát triển nhanh, vững chắc của TPHCM nói riêng, đất nước nói chung, Báo SGGP đã có những bước tiến vượt bậc, nhất là khi TPHCM cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập toàn cầu. Thông tin trên báo ngày càng phong phú, cập nhật và thu hút bạn đọc hơn. Trình độ cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo luôn được nâng cao về mọi mặt”.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà tham quan triển lãm ảnh “Sài Gòn Giải Phóng - Dấu ấn 40 năm”. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giữ ngọn cờ chủ công, tích cực

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thành Phong đã biểu dương, khen ngợi, đồng thời gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tập thể Báo SGGP về những thành tích và nỗ lực suốt 40 năm qua. Theo Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thành Phong, Báo SGGP đã thực hiện được nhiệm vụ góp phần đưa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, phản ánh nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; phản hồi từ trong thực tiễn cuộc sống những sáng kiến cần nhân rộng, những hạn chế cần khắc phục để cùng TP tạo nên phong trào cách mạng trong quá trình xây dựng và phát triển TP, đưa lòng dân đến với ý Đảng. Trên mặt trận tư tưởng, Ban Biên tập Báo SGGP nhiều thế hệ và những người làm báo SGGP đã luôn giữ đúng định hướng tuyên truyền của Đảng; giữ ngọn cờ chủ công, tích cực; thường xuyên giới thiệu người tốt, việc tốt khắp các lĩnh vực; liên tục đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong nội bộ Đảng, bộ máy Nhà nước và trong xã hội; tăng cường đấu tranh phê phán các quan điểm lệch lạc, sai trái của một số cán bộ, đảng viên và luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch.

"Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn tự hào rằng trong nhiều tờ báo của cả nước và TP, Báo SGGP là tờ báo sắc sảo, nhạy bén trước cái mới và luôn giữ đúng định hướng của Đảng; cẩn trọng, chỉn chu mà không xơ cứng, đơn điệu. Ấn phẩm SGGP trở thành tờ báo không thể thiếu hàng ngày đối với cán bộ, đảng viên và người dân TP"

NGUYỄN THÀNH PHONG
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Báo SGGP phải đi đầu trong công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiệm vụ xuyên suốt của mỗi người làm báo SGGP là đi vào đời sống, gắn bó với người dân, phản ánh được sự năng động, sáng tạo của đồng bào TP; phát hiện và nêu cách giải quyết các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Trước mắt, báo cần tập trung tuyên truyền công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội lần thứ X Đảng bộ TP, tiến tới Đại hội XII của Đảng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân TP. Báo phải luôn đi sát nhiệm vụ chính trị, phát hiện và phổ biến những cái mới và tiến bộ, phê phán những cái cũ và lạc hậu; kiên quyết đấu tranh chống những sai lầm, thiếu sót, những việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng, vi phạm Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

“Lãnh đạo TP luôn đồng hành trong từng bước đi của các đồng chí, hỗ trợ tháo gỡ từng gút mắc, mỗi khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để Ban Biên tập báo tự thân vươn lên, khẳng định thương hiệu “Sài Gòn Giải Phóng” đã đóng dấu ấn từ ngày 5-5-1975” - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Nhân dịp này, cùng ngày, tại 272 Võ Thị Sáu quận 3, Báo SGGP tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Sài Gòn Giải Phóng-Dấu ấn 40 năm”. Trên 120 ảnh thể hiện chặng đường hoạt động 40 năm của Báo SGGP, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể và bạn đọc các vùng miền, Báo SGGP đã vươn lên, phát triển ngày càng đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Ngoài tờ báo giấy ra hàng ngày, còn có Báo SGGP điện tử tiếng Việt, Báo SGGP điện tử tiếng Anh, Báo SGGP Hoa văn và 3 ấn phẩm báo giấy khác là Tuần san SGGP Thứ bảy, SGGP Đầu tư - Tài chính, SGGP Thể thao. Hiện Báo SGGP đang chuẩn bị ra mắt Trang tin điện tử tiếng Hoa để thông tin chính thống được lan tỏa nhanh hơn, xa hơn.

Ngoài địa bàn chính là TPHCM, Báo SGGP còn phát hành rộng rãi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ và một số tỉnh, TP lớn ở miền Bắc và miền Trung. Song song đó, báo còn làm tốt công tác xã hội với nhiều chương trình, sự kiện có ý nghĩa, được dư luận quan tâm, làm lan tỏa nghĩa tình TP như: Giải thưởng Tôn Đức Thắng, giải thưởng Võ Trường Toản, Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, giải thưởng Văn hay Chữ tốt, giải thưởng Quả bóng vàng, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn…

Hồng Hiệp


Tự hào về tờ báo Đảng

Buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày Báo SGGP ra số báo đầu tiên trở nên sinh động, gần gũi hơn với sự tham gia giao lưu, thể hiện tình cảm yêu mến của nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, Tiến sĩ Trần Du Lịch, nhạc sĩ Trương Quang Lục và bạn đọc lâu năm Nguyễn Thế Kỷ. Gắn bó với tờ báo nhiều năm, có những bài viết tâm huyết trên Báo SGGP, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo chia sẻ: “Rất tin yêu và tự hào về tờ báo của Đảng bộ và nhân dân TPHCM. 40 năm qua, Báo SGGP đã nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, chuẩn xác, định hướng thông tin, thể hiện được bản lĩnh, vai trò, trách nhiệm của mình”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, nhạc sĩ Trương Quang Lục và bạn đọc lâu năm Nguyễn Thế Kỷ tại buổi giao lưu. Ảnh: HẢI THỤY

Các cộng tác viên đều có chung nhận định, Báo SGGP đã không chỉ bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, mà còn luôn nỗ lực để đưa đến công chúng một sản phẩm thông tin trung thực, đa chiều, đáp ứng nhu cầu đa dạng của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là đảng viên ở cơ sở. Báo SGGP không chỉ là kênh thông tin chính thống, chuẩn mực, tin cậy, mà còn là tài liệu quan trọng cho hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đã có nhiều bài viết trên Báo SGGP được bạn đọc đánh giá cao, có tính phát hiện kịp thời, thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, góp phần làm lành mạnh hóa xã hội.

Góp ý cho tờ báo ngày càng phát triển, các đại biểu đều cho rằng tờ báo cần từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung và cải tiến hình thức trình bày, tăng cường tương tác với bạn đọc, phản ánh phong phú thực tế cuộc sống, mà trong đó “lòng dân chính là thực tiễn”; cập nhật nhanh hơn nữa thông tin trên báo điện tử. Trong giai đoạn hiện nay, theo TS Trần Du Lịch, Báo SGGP phải tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia định hướng, tuyên truyền, giáo dục ý thức trong nhân dân; phản ánh những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành của các ngành, các cấp để từ đó chấn chỉnh với mục tiêu cuối cùng là làm cho chất lượng sống người dân TP ngày càng được nâng lên. Báo SGGP cần tiếp tục đồng hành cùng các cấp của TPHCM, trở thành một kênh thông tin, diễn đàn tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm xây dựng TPHCM thành một đô thị sống tốt - một niềm tự hào của không chỉ TP mà còn của cả nước với bè bạn quốc tế.

LINH ĐAN

Tin cùng chuyên mục