400 đại biểu sẽ dự Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam

Thông tin trên được lãnh đạo Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thông tin sáng 3-10, tại Hà Nội.

Theo đó, Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) sẽ tổ chức trong 2 ngày 11 và 12-10, tại Hà Nội.

Đại hội triệu tập 400 đại biểu chính thức gồm những linh mục, tu sĩ và giáo dân đại diện cho đồng bào công giáo cả nước. Dự Đại hội còn có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số ban, ngành và tôn giáo bạn.

Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023
Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023

Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023; tìm ra nguyên nhân của những ưu điểm và hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm; đồng thời xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cho phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo giai đoạn 2023 - 2028; tiếp tục xây dựng, phát triển tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của đồng bào công giáo.

Đại hội hiệp thương cử các vị linh mục, nữ tu và giáo dân có đủ năng lực, uy tín, điều kiện để tham gia Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2023-2028); biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ qua; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước sống "tốt đời, đẹp đạo", trọng tâm thực hiện các nội dung phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo" do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động.

Theo đại diện Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, trong nhiệm kỳ vừa qua, phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo của đồng bào công giáo đã phát triển rộng khắp. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đã phát huy hiệu quả, các mô hình tập trung chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất để nâng cao giá trị và sản lượng hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp do người công giáo làm chủ đã đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất kinh doanh và khẳng định được trên thị trường, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm và tham gia hoạt động từ thiện…

Trong hoạt động từ thiện nhân đạo, đại diện Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cho rằng, đây là nét đẹp truyền thống của đồng bào công giáo thể hiện qua những việc làm thường xuyên như: Mở lớp tình thương dạy chữ, dạy nghề miễn phí cho trẻ em lang thang, khuyết tật; chăm sóc bệnh nhân AIDS; quyên góp tiền mổ mắt, mổ tim cho người nghèo; xây cầu phục vụ dân sinh; xóa nhà tạm và hỗ trợ vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất; ủng hộ người dân bị thiên tai.

Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ ở địa phương, nhiều linh mục, dòng tu đã mời gọi các y, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến Trung ương về khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo tại các giáo xứ.

Tổng số kinh phí tham gia ủng hộ các quỹ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, thành phố 5 năm (2017-2022) khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, gồm: Quỹ “Vì biển đảo Việt Nam”, “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây nhà đại đoàn kết”...

Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành ở nước ta, đồng bào công giáo mỗi nơi đều tìm ra những cách thức riêng khắc phục những khó khăn trong thời gian dịch bệnh. Ví như các dòng tu nam, dòng tu nữ ở Đà Lạt đã chủ động đến các nhà vườn có rau bị các công ty ngừng thu mua do dịch để xin thu hoạch gửi về TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... giúp đỡ các dòng, các cơ sở xã hội đang nuôi dưỡng người già, người tàn tật, trẻ mồ côi. Nhiều giáo dân tự kết thành nhóm thiện nguyện chung tay làm việc bác ái.

Chỉ riêng tại TPHCM, các vị chức sắc, chức việc, nam nữ tu sĩ và đồng bào công giáo Thành phố đã quyên góp ủng hộ tiền, hàng hoá, trang thiết bị y tế, các phần quà trị giá trên 20 tỷ đồng; đã có hơn 1.000 lượt các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện hồi sức, bệnh viện dã chiến, thu dung; hỗ trợ, giúp đỡ, điều trại cho hàng chục ngàn bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cùng với đó, một số hoạt động xã hội hóa giáo dục, dạy nghề; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khác…

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là tổ chức xã hội, đại diện phong trào thi đua yêu nước của người công giáo Việt Nam, là tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập ngày 20-1-1955 để kế tục sự nghiệp các tổ chức tiền thân phong trào yêu nước của người công giáo nhằm mục đích đoàn kết rộng rãi đồng bào Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực hiện theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục