Muôn mặt thể thao

“5 sao” và... “Ngàn sao” thời Asian Cup

                                        KHỔ VÌ “BỆNH THÀNH TÍCH”

Ở Asian Cup 2007, người ta hay nhắc đến là cụm từ “tiêu chuẩn 5 sao”. Hiển nhiên, có được những trận cầu “tiêu chuẩn 5 sao” trên sân cỏ hay không thì phải… đợi các cầu thủ trình diễn. Cũng có thứ “5 sao” được đảm bảo 100% như điều kiện ăn, ở của các quan chức, đội bóng hoặc điều kiện tác nghiệp của giới truyền thông. Nhưng đâu phải ai cũng hào hứng đón nhận sự phục vụ theo tiêu chuẩn “5 sao” như vậy...

NHẤT NHẬT, BÉT... NHẬT

“5 sao” và... “Ngàn sao” thời Asian Cup ảnh 1
Đội tuyển Nhật Bản đến Việt Nam đã kéo theo một lực lượng hậu cần đông đảo, trong đó có các fan hâm mộ.

Trong 3 đội bóng đến làm khách tại Việt Nam, ĐKVĐ châu Á Nhật Bản là đội bóng được “tiền hô hậu ủng” rầm rộ nhất. Đội bóng của HLV Ivica Osim mang đến Việt Nam tổng cộng 47 thành viên gồm quan chức LĐBĐ Nhật Bản, Ban huấn luyện, chuyên gia y tế, dinh dưỡng và cầu thủ.

Với dàn lực lượng như vậy, mỗi lần đội bóng xứ hoa Anh đào này đi tập luyện, các cầu thủ khỏi lo vướng bận những chuyện như xách bóng, phân công trực nhật… giống như các đồng nghiệp ở đội tuyển Việt Nam. Bởi tất cả những chuyện lặt vặt ấy đều có lực lượng hậu cần đi theo phục vụ. Mỗi khi ra sân tập luyện, các nhân viên phục vụ đội Nhật Bản khệ nệ bưng bê 3-4 bao tải… khăn lạnh, cái nào cái ấy trắng phau phau và bọc kín bằng giấy nilon. Tương tự là khoảng chục hòm xiểng chứa nước, dụng cụ y tế sẵn sàng phục vụ các “thượng đế”.

Sau khi bố trí hậu cần đầy đủ, có người trực chiến ở điểm nóng, lực lượng hậu cần còn lại tỏa đi khắp sân để... nhặt bóng. Những “nhân viên” nhặt bóng của Nhật Bản thật dễ nhận biết bởi ai nấy đều mặc đồng phục Adidas mang tên nhà tài trợ Kirin, đồng thời cũng kín mồm kín miệng hệt như thầy trò Ivica Osim.

                              PHÓ TỔNG THƯ KÝ VFF PHỤ TRÁCH... CẮT CỎ

Do yêu cầu khắt khe của AFC về điều kiện mặt sân thi đấu, vì vậy, trước khi diễn ra lượt trận thứ nhất của bảng B Asian Cup 2007, đích thân Phó Tổng Thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi phải phụ trách chỉ đạo kiểm tra việc... cắt cỏ sân Mỹ Đình. Toàn bộ công việc này phải được hoàn tất vào tối 7-7, sau đó, phái đoàn của AFC tiến hành kiểm tra chất lượng mặt cỏ sân Mỹ Đình vào sáng 8-7 rồi mới quyết định cho tiến hành tổ chức trận Việt Nam - UAE vào tối 8-7 hay không.

Theo quy định, lớp cỏ sân Mỹ Đình phải đảm bảo “tiêu chuẩn FIFA” là 2,5 cm. Ngoài ra, các ô kẽ trên sân Mỹ Đình có 2 màu sẫm, nhạt phải đảm bảo chính xác là cách nhau 50cm. May mà dưới sự giám sát của “bác” Phó Tổng thư ký VFF, các thợ cắt cỏ tại sân Mỹ Đình đã làm việc chính xác, làm hài lòng các quan chức AFC.

                                                                                                                                    N.Linh 

Song, cái sự bóng bẩy, “5 sao” của Nhật Bản thể hiện nổi bật nhất ở đội quân truyền thông đi hộ tống đội bóng đương kim vô địch. Trong 641 phóng viên được AFC cấp thẻ và đăng ký hành nghề tại Việt Nam, số lượng phóng viên Nhật Bản chiếm khoảng 150 người, chỉ đứng sau phóng viên chủ nhà Việt Nam tí xíu (177 người). Đông và giàu có nên mỗi lần hành quân đến đâu, giới truyền thông Nhật Bản cũng giống như một “đàn ong bầu”. Đồ nghề của phóng viên Nhật thì khỏi nói, cánh phóng viên Việt Nam hay khối vùng Vịnh như: Qatar, UAE, Ai Cập… chỉ còn biết mắt tròn mắt dẹt để nhìn ngắm và… ao ước.

Một phóng viên viết Nhật Bản luôn kè kè bên người một “con” laptop xịn, cấu hình cao và bộ phát tín hiệu vệ tinh. Còn các phóng viên ảnh của Nhật thì miễn chê: trung bình mỗi người có 3 máy ảnh chuyên nghiệp, 5 ống kính, một laptop có khả năng chống sốc và kết nối vệ tinh để lúc nào cũng sẵn sàng… truyền ảnh về tòa soạn.

Do lực lượng hoành tráng và giàu có nên đi đâu, khối truyền thông Nhật Bản cũng kéo quân tác chiến cùng nhau. Các phóng viên Nhật Bản ăn, ở tại các khách sạn 5 sao và họ cùng thuê hẳn vài xe bus cỡ bự để đi thành một đoàn mỗi khi tác nghiệp. Tuy nhiên, cũng vì dùng đồ nhà giàu và làm việc kiểu tập thể… cục bộ như vậy nên giới truyền thông Nhật Bản bị chê là “lạnh” khi giao tiếp. Nó khác hẳn kiểu xởi lởi, thân tình của giới truyền thông đến từ vùng Tây Á, vì ngoài việc chăm “gà nhà”, các phóng viên khối vùng Vịnh này rất chịu khó tìm hiểu và làm đủ các loại phóng sự, phỏng vấn về đối thủ, đất nước con người Việt Nam chứ không chỉ loanh quanh với “gà nhà” một cách cục bộ như báo giới Nhật Bản.

THẾ GIỚI... “NGÀN SAO”

Đối lập với thế giới “5 sao” ấy là một thế giới… “ngàn sao”. Điều kiện tổ chức của Asian Cup 2007 được AFC tính toán, yêu cầu nước chủ nhà phải thực hiện chỉn chu, kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Nhưng đôi khi, sự máy móc rập khuôn đã khiến cho những người được phục vụ với điều kiện “5 sao” ấy phát… bực, và chỉ muốn được hoạt động, được hưởng thụ theo tiêu chuẩn “ngàn sao” như thông thường.

Nói đâu xa, các tuyển thủ Việt Nam sau khoảng 1 tuần thụ hưởng tiêu chuẩn “ông Hoàng” ở khách sạn 5 sao Sheraton đã bắt đầu ngán ngẩm. Chi phí cho bữa ăn sáng tại khách sạn này khoảng 8 USD, bữa trưa và bữa tối là 30-40 USD/ bữa. Nhưng ăn nhiều sơn hào hải vị đâu phải lúc nào cũng sướng. Nhiều cầu thủ thèm một bữa đạm bạc kiểu canh cua, cà pháo… thay vì suốt ngày gặm đùi gà và ăn hải sản. Thế mới có chuyện Công Vinh, Tiến Thành và Duy Thái tách đội, lẻn đi ăn… bún ốc, bánh tôm hồ Tây cho khỏi thèm.

Trong khi đó, 2 đội bóng Tây Á là Qatar và UAE đã phòng bị từ xa, nên họ đưa theo cả đầu bếp để đảm bảo các cầu thủ của 2 đội bóng này luôn cảm thấy khoái khẩu. Đặc biệt, cả UAE lẫn Qatar đều thuê những chuyên gia dinh dưỡng nước ngoài đi cùng đội tuyển để lên kế hoạch dinh dưỡng, tránh cho cầu thủ tăng cân hay gặp vấn đề về chuyện ăn uống. Hóa ra, UAE, Qatar cũng “tiểu nhân phòng bị gậy” chứ không tin 100% vào điều kiện “5 sao” sẽ được AFC đáp ứng.

Trong không khí “5 sao” bao trùm khắp Asian Cup, có lẽ cánh phóng viên Việt Nam là muốn thoát khỏi thế giới phục vụ “chu đáo”, “ân cần” thái quá của AFC nhất. Nói không sướng là phủ nhận công lao của các nhà tổ chức, nhưng cái chu trình hoạt động giống như một “cỗ máy”, rập khuôn, khô khan từng chi tiết đôi khi làm giới truyền thông chủ nhà phát… bực. Ví như chuyện đi lại chẳng hạn. Ban tổ chức chu đáo sắp đặt trong mỗi ngày thi đấu 5 chuyến xe bus chở các phóng viên xuống sân Mỹ Đình, nhưng điều kiện đi kèm là phải đi sớm…

5 giờ trước trận, hoặc chậm nhất là 2 giờ rưỡi trước trận. Trong khi đó, phóng viên nào muốn chủ động dùng xe máy thì đồng nghĩa với việc chấp nhận phải cuốc bộ khoảng 1 cây số đi từ khu gửi xe vào đến khu Trung tâm báo chí để tác nghiệp. Hài hước ở chỗ, AFC cấm phóng viên mang xe máy vào khuôn viên sân Mỹ Đình, nhưng lực lượng bảo vệ thì cứ phè phè chạy xe máy khắp sân, như thể… trêu ngươi cánh nhà báo.

Ngoài chuyện đi đứng, cánh phóng viên Việt Nam còn kè kè nỗi lo kiếm “giấy phép con” để tác nghiệp. AFC quy định này nọ, nhưng sau 2 lượt trận, chuyện phát “giấy phép con” ấy xem ra cũng chưa được quy củ, gọn gàng cho lắm.

Hưởng điều kiện “5 sao”, nhưng nhiều người vẫn chép miệng, nếu được làm theo kiểu “ngàn sao” thì cũng… sướng biết mấy!


NGỌC LINH

                                        KHỔ VÌ “BỆNH THÀNH TÍCH”

Sau khi Qatar hủy kế hoạch mướn 10.000 khán giả Việt Nam cổ vũ thuê cho “gà nhà” ở Asian Cup 2007, chỉ có 2 đội Nhật Bản và Việt Nam là có số lượng cổ động viên đông đảo nhất trong số 4 đội bóng bảng B. Tuy vậy, có một điều trùng lặp là cổ động viên Việt Nam lẫn Nhật Bản đều khổ vì “bệnh thành tích”.

Lúc đầu, có tin cổ động viên Nhật Bản sẽ đổ bộ ầm ầm vào Việt Nam, nhưng rốt cục, ở trận Nhật Bản - Qatar vừa rồi, mới chỉ có khoảng 1.000 khán giả Nhật xuất hiện cổ vũ cho “gà nhà”. Lý do người Nhật muốn đội bóng của HLV Ivica Osim chắc chắn lọt sâu vào vòng trong rồi mới thực sự... đổ bộ sang Việt Nam.

Trong khi đó, do có tư tưởng e ngại đội chủ nhà khó cạnh tranh với những đối thủ mạnh châu Á nên nhiều cổ động viên Việt Nam tỏ ra thờ ơ, không chịu “thủ” vé xem Asian Cup 2007. Chính vì vậy, sau khi đội nhà bất ngờ làm nên lịch sử bằng trận thắng UAE 2-0, nhiều cổ động viên Việt Nam mới tá hỏa đi săn vé xem trận Việt Nam - Qatar, thậm chí, cả trận Việt Nam - Nhật Bản. Thế là cầu vượt cung nên chuyện phe vé chợ đen đắt khách suy cho cùng cũng chỉ tại... “bệnh thành tích”.

                                                                                                                   N.Linh

Tin cùng chuyên mục