
Tháng 12 có nhiều ngày kỷ niệm đáng nhớ. Ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp 19-12, ngày ký Hiệp định Genève và thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam 20-12, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12, 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không… Và tháng 12- 2007, chúng ta kỷ niệm 50 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đó là những cột mốc lịch sử tạo dấu ấn cho đời sống âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhận hoa từ người hâm mộ. Ảnh: AN DUNG
Gắn chặt với vận mệnh của dân tộc và số phận của từng người dân Việt Nam, thủ đô Hà Nội luôn là nơi gởi gắm niềm tin yêu và hy vọng (Phan Nhân). Ngày toàn quốc kháng chiến diễn ra ở thủ đô Hà Nội với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và 12 ngày đêm oanh liệt đánh thắng cuộc tập kích của pháo đài bay B52 của giặc Mỹ xâm lược là nhưng dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Những ngày cuối tháng 12 này, từ Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi muốn nói tới một hiện tượng, một sự kiện và một niềm vui. Ấy là những bài hát về Hà Nội của các nhạc sĩ từ quê hương Nam bộ, từ Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng (Tố Hữu).
Cũng như các đề tài về đất nước, về quê hương, về mẹ, về Bác Hồ… thủ đô Hà Nội là một trong những nơi được thể hiện tình cảm thiêng liêng qua các sáng tác của văn nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng.
Sau Hiệp định Genève, những người lính của 9 năm kháng chiến tập kết ra miền Bắc, về thủ đô Hà Nội. Với lòng yêu nước nhiệt thành, chính những nhạc sĩ từ khắp các chiến trường đã tụ hội về thủ đô và cất vang tiếng hát hòa bình, dựng xây chủ nghĩa xã hội miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà lay động lòng người nhất. Khoảng từ năm 1955 tới 1960, hàng loạt tác phẩm âm nhạc có sức sống bền vững đã ra đời. Cùng với những Tình ca của Hoàng Việt, Câu hò bên bến Hiền Lương của Đằng Giao-Hoàng Hiệp… Trần Kiết Tường (1924-1987) được xem là nhạc sĩ có nhiều bài hát về hòa bình dựng xây, về Hà Nội sớm nhất, được nhiều người thuộc nhất. Trong 3 giải thưởng về ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu những năm 60 của thế kỷ XX, có hai nhạc sĩ đang sống tại TPHCM là Phan Huỳnh Điểu với Những ánh sao đêm và Bửu Huyền với Đường ta đi tới…

Các nhạc sĩ tặng hoa chúc mừng nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong đêm nhạc của ông tại Nhà hát TPHCM, 2007.
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường có hai bài hát nổi tiếng thời đó là Những cánh tay miền Nam trên đất Bắc, Bốn bánh xe tôi lăn đi… Từ giọng hát Quốc Hương, mọi người hát ca khúc của Trần Kiết Tường bằng đồng ca, tốp ca và đơn ca: “Bốn bánh xe tôi lăn đi. Êm tay lái tôi cho xe lăn đi…”. Đặc biệt bài hát Những cánh tay miền Nam trên đất Bắc là một bài hát về Hà Nộäi rất đáng trân trọng: “Thủ đô thân yêu, ta về đây xây đời hòa bình. Cùng nhau xây đời… Anh muốn chắp cánh bay. Ôm ấp trái tim em. Cho lòng người thêm yêu đời…”.
Có một điều lý thú và rất đáng tự hào là gần như cứ khoảng 5, 7 năm, Hà Nội lại có một bài hát hay. Từ 1945 chúng ta đã có những bài hát của Huy Du, Hoàng Dương… đặc biệt là Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Tiến về Hà Nội của Văn Cao. Sau 1954, chúng ta có những sáng tác của rất nhiều nhạc sĩ, trong đó phải kể tới các bài hát của Văn Ký, Vũ Thanh, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Trọng Đài - Chu Lai… Đặc biệt những bài hát về Hà Nội của các nhạc sĩ Nam bộ, của TPHCM thỏa mãn tình cảm, khát vọng, nỗi niềm không chỉ của người Hà Nội mà hơn thế của người dân Việt Nam trên mọi miền quê.
Ấy là những Hà Nội, niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân (sinh năm 1930, quê An Giang), viết ngay trong 12 ngày đêm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. Bài hát của Phan Nhân không chỉ trở thành câu nói hàng ngày, hơn thế còn là khẩu hiệu, còn là một câu ngạn ngữ thân thương. Nếu nhạc Phan Nhân là một khúc tráng ca thì Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp (sinh năm 1931, quê An Giang) lại là khúc tự tình chân thật. Và cũng như Phan Nhân, người ta vẫn lấy từ lời bài hát Hoàng Hiệp những câu châm ngôn có ý nghĩa như “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Cũng là những khúc tự tình, Trịnh Công Sơn (1939 - 1991, quê Thừa Thiên-Huế) đã vẽ cảnh Hà Nội mùa thu với rất nhiều khám phá phát hiện và gởi gắm: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ… Hồ Tây chiều thu… Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời. Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người... lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai…”.
Phạm Minh Tuấn (sinh năm 1942 tại Phnom Penh) viết về Hà Nội thật tha thiết khi đã có quá nhiều bài hát hay về Hà Nội… Cũng như tất cả các nhạc sĩ, Phạm Minh Tuấn tìm cho riêng mình một vẻ quyến rũ của Hà Nội. Anh nghe và cất tiếng ca Hà Nội ơi, thầm hát trong tôi: “Trời thủ đô dịu dàng hương cốm. Xanh biếc xanh nụ hoa sữa xanh trời. Hà Nội ơi, thầm hát trong tôi…”.
Chỉ bấy nhiêu trong bao nhiêu bài hát về Hà Nội nhắc lại trong những ngày kỷ niệm ý nghĩa này để chúng ta thêm yêu Hà Nội, thêm quý các nhạc sĩ thân thương của chúng ta. Hà Nội đang từng ngày lớn mạnh cùng sự phát triển của đất nước. Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Đông Đô - Hà Nội. Và với tất cả niềm tin yêu, hy vọng, chúng ta ca vang lên “Thủ đô thân yêu, ta về đây…”.
Lưu Xá