Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 22-6 cho biết, kết thúc Hội nghị quốc tế về phát triển bền vững của LHQ (Rio+20) tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil, các nhà lãnh đạo thế giới đã có 700 cam kết cụ thể, tổng trị giá 513 tỷ USD để đạt được một tương lai bền vững.
Trong đó, 323 tỷ USD sẽ được dành cho sáng kiến “Năng lượng bền vững cho tất cả” vào năm 2030. Hội nghị Rio+20 cũng đưa ra một loạt cam kết, như trồng 100 triệu cây xanh, trao quyền cho 5.000 nữ doanh nhân trong các doanh nghiệp kinh tế xanh ở châu Phi, mỗi năm tái chế 800.000 tấn nhựa PVC... Tuy nhiên, Tổng thư ký hội nghị Sha Zukang thừa nhận: “kết quả này không làm ai hài lòng. Những gì đạt được chỉ khiến mọi người không hạnh phúc”. Quả thật, sau nhiều tháng soạn thảo và kỳ vọng về thành công của Rio+20, cuối cùng các nhà đàm phán đành phải chấp nhận kết quả ở mức thấp nhất.
Chỉ trong vòng vài giờ trước khi hội nghị khai mạc vào 20-6, các nhà đàm phán đã nhất trí với các đề nghị hầu như chẳng khác gì so với Hội nghị thượng đỉnh Trái đất 1992. Ông Martin Khor, Giám đốc điều hành trụ sở phía Nam ở Geneva và là thành viên của Ủy ban LHQ về chính sách phát triển, nhận định: “Chúng ta đã quá hy vọng và tái khẳng định những gì mà cách đây 20 năm đã được coi là thành công”. Thật vậy, cụm từ “tái khẳng định” được sử dụng đến 59 lần trong xấp tài liệu 49 trang có tựa đề “Tương lai chúng ta muốn”. Tái khẳng định sự cần thiết để phát triển bền vững (nhưng không nói bằng cách nào), tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế (không phải ngay lúc này) và tái khẳng định ổn định kinh tế (mà không có thêm viện trợ mới cho các quốc gia nghèo nhất).
Nhiều nhà hoạt động môi trường nổi tiếng muốn nhìn thấy trong tài liệu trên những điều chưa bao giờ có như kêu gọi ngưng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, nhấn mạnh quyền sinh sản của phụ nữ, hay làm thế nào để các quốc gia cùng nhau bảo vệ vùng biển. Giám đốc tổ chức Hòa bình xanh Kumi Naidoo thậm chí còn cho biết những mục tiêu mà Hội nghị Trái đất 1992 đề ra đang bị loại bỏ dần dần, không có nhà lãnh đạo trên thế giới nào có thể thực sự mang đến “Tương lai chúng ta muốn”.
Thêm một thất vọng nữa là dù kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch với sự nổi lên của các quốc gia như Trung Quốc và Brazil cùng nhiều nước thu nhập trung bình khác, các nhà đàm phán vẫn còn tranh luận theo quan điểm cũ ưu tiên các nước phát triển giàu có hơn. 77 quốc gia nghèo nhất trên địa cầu vẫn tiếp tục yêu cầu châu Âu và Mỹ thừa nhận những “món nợ lịch sử” khi đã ngốn đi phần lớn tài nguyên của địa cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 250 năm trước đây.
Các quốc gia này muốn phương Tây tài trợ nhiều hơn để cải thiện môi trường ở các nước nghèo và tự do chuyển giao công nghệ để giúp các quốc gia đang phát triển có thể sử dụng nhiều loại năng lượng tái tạo hơn và xây dựng ngành công nghiệp sạch hơn. Tuy nhiên, tiến sĩ Kerri-Ann Jones, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề đại dương, môi trường quốc tế và khoa học, phản bác nhóm 77 nước này không nên đề cập chuyện quá khứ trong khi tranh luận. Đại diện của Mỹ cho rằng “phải coi đây là một quá trình và chỉ nên nhìn vào những gì tích cực đã làm được, cần tiếp tục hành động vì còn rất nhiều việc để làm”.
THANH HẢI