Ngày 7-10 tới, gần 19 triệu cử tri Venezuela sẽ đến các điểm bỏ phiếu trên cả nước bầu tổng thống nhiệm kỳ 2013 - 2019. Đến thời điểm này, 2 gương mặt nhiều triển vọng trở thành chủ nhân tương lai của Dinh thự Miraflores là đương kim Tổng thống Hugo Chavez và đối thủ tiềm năng Henrique Capriles, đại diện liên minh đối lập cánh hữu.
Ứng cử viên đảng Xã hội thống nhất Venezuela (PSUV) - ông Chavez, người luôn có ý tưởng đưa cuộc Cách mạng Bolivar đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 ở Venezuela - bước vào cuộc chiến quyết định nhằm tìm kiếm cơ hội tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 3. Ông Chavez hiện được xem là ứng cử viên chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử sắp tới.
Theo Los Angeles Times, ông Chavez giành được đông đảo cảm tình cử tri trong nước bởi những chương trình xã hội, được ông gọi là “Những nhiệm vụ”, giúp hàng triệu người dân lao động được hưởng những thành quả bước đầu của một loạt chương trình phúc lợi xã hội: phát triển nông nghiệp, giáo dục, y tế, hoặc các dự án xây dựng nhà ở miễn phí cho người nghèo... Ông Chavez cam kết nếu đắc cử tổng thống nhiệm kỳ tới, ông sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách xã hội, kinh tế mà ông đang theo đuổi để 6 năm tới, tỷ lệ người nghèo tại Venezuela về 0%.
Phe đối lập với ông Chavez hy vọng về khả năng đảo ngược tình thế trong cuộc bầu cử với ứng cử viên của Liên minh đối lập, Henrique Capriles, 40 tuổi. Sinh ra trong một gia đình giàu có tại thủ đô Caracas, ông Capriles tự nhận mình là chính khách mang tư tưởng cấp tiến và hâm mộ đường lối của cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva. Mặc dù còn trẻ, Henrique Capriles đã có một quá trình tham gia chính trị và đến năm 1999, ông đắc cử nghị sĩ khi mới 25 tuổi. Trên cương vị này, Capriles nhanh chóng trở thành vị Chủ tịch trẻ nhất của Hạ viện và tiếp đó là Phó Chủ tịch Thượng viện Venezuela. Từ năm 2000 - 2008, ông Capriles lần lượt giữ chức Quận trưởng quận Baruta và Thống đốc bang Miranda đến khi được chỉ định làm ứng cử viên chính thức của phe đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Capriles luôn chỉ trích chính phủ của Tổng thống Chavez làm gia tăng tỷ lệ tội phạm, chia rẽ xã hội sâu sắc và hứa sẽ giải quyết những vấn đề này nếu đắc cử. Quyết định cuối cùng sẽ là quyền của cử tri. Năm 2006, ông Chavez giành được thắng lợi với 60% số phiếu bầu so với 37% của ứng cử viên đối lập Manuel Rosales.
Đỗ Cao