60% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh

Hơn 50% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam được khảo sát khẳng định có khả năng tăng trưởng và tiềm năng tăng trưởng cao. Điều này xuất phát từ môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhất là TPHCM đang có chiều hướng cải thiện tích cực. Môi trường đầu tư đang chuyển động theo hướng minh bạch hơn.
60% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh

Hơn 50% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam được khảo sát khẳng định có khả năng tăng trưởng và tiềm năng tăng trưởng cao. Điều này xuất phát từ môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhất là TPHCM đang có chiều hướng cải thiện tích cực. Môi trường đầu tư đang chuyển động theo hướng minh bạch hơn.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh (Ảnh: Sản xuất tại Misumi Group Company) Ảnh: Cao Thăng

Ưu tiên mở rộng

Kết quả trên vừa được ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, công bố vào cuối tháng 2. Theo ông Yasuzumi Hirotaka, dù tỷ lệ DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam năm 2015 hoạt động có lãi chiếm 58,8% (giảm 3,5% so với năm 2014) và số DN báo lỗ chiếm 26,2% (tăng 1,3%) nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục được coi là điểm nóng đầu tư mà DN nước này muốn mở rộng đầu tư. Hơn 60% trong tổng số gần 600 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho biết có xu hướng muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, một tỷ lệ cao nhất so với các DN Nhật Bản đang đầu tư ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Lý giải vấn đề này, hầu hết các DN Nhật khi được lấy ý kiến đều cho rằng, lợi thế lớn nhất mà Việt Nam có là chi phí nhân công rẻ, xếp thứ ba, chỉ cao hơn chi phí  nhân công ở Philippines và Bangladesh. Riêng trong ngành công nghiệp chế tạo, chi phí nhân công của Việt Nam chưa bằng một nửa so với Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia. Các DN Nhật cũng đưa ra dự báo về những ảnh hưởng tác động khi chính sách tiền lương cơ bản được Chính phủ Việt Nam điều chỉnh trong thời gian tới sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư của DN. Tuy nhiên, các DN Nhật vẫn kỳ vọng những thay đổi trong chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ của Chính phủ Việt Nam sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm phụ trợ, kéo giảm chi phí cung ứng nguyên liệu, giúp cân bằng chi phí trong hoạt động đầu tư kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Một thuận lợi nữa về môi trường đầu tư đó là hơn một nửa số DN Nhật được khảo sát đánh giá cao về tình hình chính trị, xã hội, quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng ổn định của Việt Nam. Đặc biệt là rào cản ngôn ngữ, so với nhiều nước mà DN Nhật Bản đang đầu tư thì tại Việt Nam, khó khăn do rào cản ngôn ngữ lại chiếm tỷ lệ thấp nhất.

Gần 70% DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng kỳ vọng về thuận lợi hóa thương mại và thuế quan khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Cộng đồng kinh tế Asean có hiệu lực. Những thuận lợi khi tiếp cận thị trường như tăng khả năng cạnh tranh của những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam khi được ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0%, ưu đãi trong quy tắc xuất xứ, tăng cường kết nối thương mại điện tử… là điều kiện thuận lợi để DN Nhật Bản tăng tốc phát triển và đạt lợi nhuận cao trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Giữ ổn định đầu tư

Hiện đầu tư của Nhật vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành như chế tạo, phân phối bán lẻ, công nghệ thông tin, xây dựng, tư vấn, dịch vụ... Tuy nhiên, so với cơ cấu đầu tư của các năm trước, mức độ ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực có sự thay đổi nhất định. Cụ thể, tỷ lệ đầu tư trong lĩnh vực chế tạo tiếp tục giảm so với năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ ngành phân phối bán lẻ, công nghệ thông tin, nông nghiệp tăng nhẹ so với năm trước. Riêng trong năm 2015, tỷ lệ đầu tư vào ngành xây dựng tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, số dự án đầu tư liên quan đến hoạt động dịch vụ như ngành khách sạn, ăn uống cũng tăng do ảnh hưởng từ việc nới lỏng quy chế đầu tư nước ngoài đối với ngành này từ năm 2015.

Cũng theo Jetro, trong những năm tới, nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản sẽ còn tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam. Bởi nhiều DN Nhật cho rằng, so sánh môi trường đầu tư trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn cả. Hiện nay, Indonesia có sự gia tăng chính sách bảo hộ cho các DN nội địa. Thái Lan đưa ra những thay đổi về chính sách đầu tư. Riêng Việt Nam, đặt biệt là TPHCM nổi bật lên là môi trường đầu tư tiềm năng nhờ khuyến khích đầu tư nước ngoài và hội nhập sâu rộng.

Mặc dù vậy, nhiều DN Nhật cũng chỉ ra những yếu kém của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay, mà họ cho rằng sẽ dẫn đến các rủi ro trong đầu tư kinh doanh. Trên 60% DN cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch. Và hơn một nửa số DN được khảo sát cho rằng chi phí nhân công của Việt Nam đang tăng cao, cơ chế, thủ tục thuế phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện của Việt Nam dù đã có cải thiện nhưng còn chậm, chỉ mới đạt 32,1%, tăng 10% trong suốt 5 năm. Tỷ lệ này còn khá thấp so với các nước khác như Malaysia đạt 36%, Indonesia đạt 40,5%, Thái Lan đạt 55,5% và Trung Quốc đạt 64,8%. Ông Hirotaka kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Việt Nam nhiều hơn nữa trong việc tiếp cận vốn vay, kỹ thuật, đào tạo... để tăng năng lực cạnh tranh, có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp linh kiện, phụ tùng hỗ trợ cho các DN FDI đầu tư, lắp ráp tại Việt Nam. Đây cũng là giải pháp để thu hút mạnh hơn đầu tư từ DN Nhật Bản, giúp gia tăng nội lực cạnh tranh cho DN Nhật khi chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.

Ông Hirotaka cho biết thêm, trong năm qua đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đứng vị trí thứ ba về số vốn đầu tư FDI, đạt 1,842 tỷ USD. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản vào Việt Nam cho thấy ổn định hơn các nước, thể hiện rõ ở số dự án đầu tư của DN Nhật không bị suy giảm nhiều qua các năm. Chẳng hạn như năm ngoái, dù vốn cam kết FDI của Nhật vào Việt Nam đứng thứ ba, nhưng số dự án lại nhiều thứ hai với 456 dự án, chỉ sau Hàn Quốc với 962 dự án nhưng vượt xa Malaysia có 42 dự án, Đài Loan là 171 dự án…

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục