60 năm Xuân Quý Mão, nhớ lời chúc Tết của Người

Cách đây tròn 60 năm (1963-2023), cũng dịp Xuân Quý Mão, tối 25-1-1963, Bác Hồ đã đọc thư chúc mừng năm mới đến đồng bào cả nước trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trong thư chúc Tết, Người tiếp tục nhấn mạnh đến tình đoàn kết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, mong cuộc kháng chiến sớm giành thắng lợi để đất nước độc lập thống nhất. Trong thư có đoạn: “Nước Việt Nam ta là một, dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà. Cuộc đấu tranh của toàn dân ta để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi”.

Đây không phải lần đầu tiên Bác khẳng định điều này, mà là sự tái khẳng định chân lý trước đó mười mấy năm Người đã từng nhấn mạnh - trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Đó là vào sáng 31-5-1946, ngay trước khi lên đường sang thăm nước Pháp để đàm phán cố gắng kéo dài thời gian chuẩn bị cho kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ nói rõ quyết tâm kiên quyết bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc. Trong thư, Người khẳng định Nam bộ là bộ phận hữu cơ của cả dân tộc Việt Nam: “Đồng bào Nam bộ đã hy sinh tranh đấu mấy tháng trường, để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam bộ. Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - tác giả bài viết tại phòng làm việc

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - tác giả bài viết tại phòng làm việc

Sau 1954, chúng ta giải phóng được nửa đất nước, còn lại miền Nam vẫn chịu sự cai trị của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm với dã tâm chia cắt lâu dài Việt Nam. Vì thế, lá thư chúc Tết năm 1963 là một lần nữa Bác khẳng định lại chân lý của tình đoàn kết dân tộc, khẳng định ý chí đấu tranh giành độc lập và thống nhất hoàn toàn Tổ quốc. Thư chúc Tết năm 1963 đã tái khẳng định những điều Bác đã nói trong thư năm 1946.

Năm 1963, đặt vào bối cảnh lịch sử khi đó, có thể thấy cách mạng Việt Nam, đặc biệt là cách mạng ở miền Nam, đã chuyển sang thời kỳ mới theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 15 năm 1959, và Nghị quyết Đại hội III của Đảng tháng 9-1960. Đó là chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, dùng bạo lực cách mạng để chống lại phản cách mạng, tiến tới lật đổ ách cai trị của Mỹ - Diệm ở miền Nam, thống nhất đất nước. Thế cách mạng miền Nam khi đó chuyển biến rất mạnh mẽ, nhất là sau phong trào Đồng Khởi 1960. Năm 1963 cũng đánh dấu chiến thắng nổi tiếng Ấp Bắc ngày 2-1-1963. Đây là chiến thắng vũ trang mở đầu cho cuộc chiến chống chiến tranh xâm lược của Mỹ - Diệm. Lúc đó ở miền Nam có phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, còn miền Bắc có phong trào thi đua theo “Điện Biên - Ấp Bắc”.

Trước đó, năm 1960 miền Nam cũng đã thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960), đã đoàn kết được mọi lực lượng ở miền Nam tham gia cách mạng, tiếp đó là thành lập lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngoài việc chi viện, miền Bắc cũng bắt tay thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất, cũng là lúc Bác Hồ phát động phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Tựu trung, có thể thấy ý chí đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là ý chí chung của toàn dân tộc và miền Bắc đã dồn sức cùng với miền Nam hoàn thành sứ mệnh cao cả đó. Thế nên trong thư chúc Tết, Bác đã khẳng định lại chân lý: “Nước Việt Nam ta là một, dân tộc Việt Nam ta là một”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Thức, nhà tư sản dân tộc ngày 24-1-1963 (đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Thức, nhà tư sản dân tộc

ngày 24-1-1963 (đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão)

Có chi tiết khá thú vị ở lời khẳng định này trong thư của Bác, đó là Bác đã mượn ý trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để diễn đạt một chân lý thiêng liêng, song được nói súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, đồng bào ai cũng thấm nhuần được. Nguyên văn câu thơ trong Truyện Kiều “Dẫu rằng sông cạn đá mòn” (câu thơ thứ 1975). Như vậy, chỉ qua chi tiết nhỏ này chúng ta cũng thấy được tầm vóc tư tưởng của Người, không chỉ là nhà chính trị, quân sự, Bác còn là người đặc biệt am hiểu sâu sắc văn hóa, thi ca. Đã hơn nửa thế kỷ Bác rời xa chúng ta, song những tư tưởng, chân lý trong thư của Bác vẫn còn nguyên giá trị.

Kể từ năm 1946 cho đến khi qua đời, trong suốt 24 năm giữ cương vị là người đứng đầu Đảng và Chính phủ, không một phút nào Chủ tịch Hồ Chí Minh không nghĩ đến dân tộc, đến nhân dân. Người suốt ngày làm việc, suốt đời làm việc vì độc lập của dân tộc và hạnh phúc của đồng bào. Kể cả trong những ngày Tết, Bác cũng không ngơi nghỉ. Thường trước Tết 3 tháng, Bác đã nhắc nhở các cơ quan, ban, ngành chuẩn bị Tết cho nhân dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm 3 việc: tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo và cán bộ công tác ở nước ngoài, và cuối cùng là chương trình đi thăm hỏi, chúc Tết nhân dân, các cơ quan, đơn vị. Điều đặc biệt nhất, trong những lời chúc Tết của mình, Bác bao giờ cũng nhấn mạnh đến tình nghĩa đồng bào gắn bó keo sơn và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc như một chân lý bất di bất dịch.

Trong thế kỷ trước, chúng ta phải trải qua 30 năm chiến đấu trường kỳ gian khổ (1945-1975) mới hoàn thành được nhiệm vụ, mục tiêu cao cả là giành lại độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Đến thế kỷ này, chúng ta vẫn đang đấu tranh để giữ gìn thành quả đó. Hơn ai hết, người Việt Nam hiểu rõ nhất về những giá trị của hòa bình, nhưng phải là hòa bình trong thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và đem lại hạnh phúc phồn vinh cho mọi người. Đây cũng là quan điểm cơ bản Bác đã nhấn mạnh lúc sinh thời.

Nhiệm vụ của đất nước ta hiện nay vẫn là phải giữ gìn độc lập dân tộc gắn với xây dựng chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc về mặt pháp lý, khái niệm đó còn bao gồm cả vùng đất, vùng trời, vùng biển và dưới lòng đất, đòi hỏi chúng ta phải đấu tranh, kiên trì giữ vững. Đó cũng là quan điểm tư tưởng xuyên suốt của Người mà chúng ta hiện nay đang hiện thực hóa, sinh động hóa bằng hình thức ngoại giao, giúp bạn bè quốc tế hiểu và trân trọng mình hơn.

Tin cùng chuyên mục