Cụ thể, tại Nghị quyết số 125/NQ-CP, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.
Tại Nghị quyết số 126/NQ-CP, Chính phủ đã thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh của Chính phủ xác định, có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp và có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp (Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng).
Về phương án sắp xếp, có 23 phương án sắp xếp đối với 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh để hình thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang).

Đối với số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, cả nước giảm 6.714 đơn vị (giảm 66,91%, bảo đảm tỷ lệ giảm theo quy định của Trung ương là 60% - 70%, từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã).
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên) là 128 đơn vị của 36 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 đơn vị có vị trí biệt lập thuộc 15 tỉnh, thành phố.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm bình quân cả nước 66,91% là phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và điều kiện thực tiễn của các địa phương.
Trong đó, TP Hà Nội giảm lớn nhất, sắp xếp 526 đơn vị hành chính cấp xã (345 xã, 160 phường, 21 thị trấn) để hình thành 126 đơn vị hành chính cấp xã mới (75 xã, 51 phường), giảm 400 đơn vị.
TPHCM (mới) gồm: UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM sắp xếp 436 đơn vị hành chính cấp xã (127 xã, 292 phường, 17 thị trấn) để hình thành 163 đơn vị hành chính cấp xã mới (112 phường, 50 xã và 1 đặc khu), giảm 273 đơn vị...
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo đúng quy định.
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 34 nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp tương ứng ngay sau đó, bảo đảm các nghị quyết được ban hành đồng bộ, thống nhất hoàn thành trong tháng 6.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ở cấp tỉnh dự kiến giảm 18.444 biên chế do phải cơ cấu lại vị trí việc làm, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo chính sách. Dự kiến bố trí 199.260 biên chế cán bộ công chức cấp xã sau thời điểm sắp xếp, khi chính quyền địa phương cấp xã đi vào hoạt động ổn định. Theo đó, giảm 110.786 biên chế và kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cả nước 120.500 người.
Dự kiến giai đoạn 5 năm 2026-2030, tổng kinh phí dự kiến tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính giảm khoảng 190.500 tỷ đồng do giảm cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và cán bộ hoạt động không chuyên trách.
Về dự kiến nguồn chi trả chế độ chính sách cho đối tượng nghỉ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi: đối với cấp tỉnh, dự kiến giảm 18.449 người (tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng/người), tổng khoảng 22.139 tỷ đồng; đối với cấp xã, dự kiến giảm 110.786 người, tổng chi khoảng 99.707 tỷ đồng. Dự kiến kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu là 6.600 tỷ đồng. Tổng kinh phí này dự kiến giai đoạn 2025-2030 khoảng 128.480 tỷ đồng.