8 năm cuộc chiến ở Iraq - Mỹ chưa thoát khỏi bãi lầy

8 năm trôi qua, kể từ ngày thủ đô Baghdad của Iraq rơi vào tay liên quân, kết thúc cuộc chiến quy mô và rầm rộ mà Mỹ đã khởi xướng để lật đổ cựu Tổng thống Saddam Hussein. Tình hình ở Iraq đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trong khi Mỹ và liên quân vẫn còn loay hoay với quyết định đi hay ở.
8 năm cuộc chiến ở Iraq - Mỹ chưa thoát khỏi bãi lầy

8 năm trôi qua, kể từ ngày thủ đô Baghdad của Iraq rơi vào tay liên quân, kết thúc cuộc chiến quy mô và rầm rộ mà Mỹ đã khởi xướng để lật đổ cựu Tổng thống Saddam Hussein. Tình hình ở Iraq đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trong khi Mỹ và liên quân vẫn còn loay hoay với quyết định đi hay ở.

  • Người dân quá mệt mỏi

Hai vụ tấn công bạo lực mới nhất ở Iraq xảy ra ngày 12-4 đã làm 17 người thiệt mạng, gần 30 người bị thương. Đặc phái viên của LHQ tại Iraq Ad Melkert cho biết, bạo lực đẫm máu nhất tại quốc gia này diễn ra trong giai đoạn 2006-2007. Tuy nhiên, đánh bom, bắn giết và bắt cóc vẫn xảy ra thường xuyên tại đây. Tuần trước, trung bình mỗi ngày có khoảng 25 vụ bạo lực quy mô lớn, nhỏ xảy ra.

Trong số những tài liệu mật quan trọng mà trang Wikileaks đã công bố có cả thống kê nhân mạng trên chiến trường Iraq. Đến cuối năm 2010, số thương vong là 285.000 người. Trong số 109.000 người tử vong có đến 66.081 người (khoảng 61%) là dân thường. Có gần 700 người bị giết ở những chốt kiểm soát quân sự của Mỹ. Trong suốt giai đoạn dai dẳng mà Mỹ gọi là công cuộc tái thiết Iraq thì có đến 180.000 người Iraq đã bị bắt giữ, 15.000 người bị giết chết rồi đem chôn mà không hề được xác nhận danh tính.

Người dân Iraq phản đối quân đội Mỹ kéo dài thời gian hiện diện ở đất nước mình. Ảnh: AFP

Người dân Iraq phản đối quân đội Mỹ kéo dài thời gian hiện diện ở đất nước mình. Ảnh: AFP

Người dân Iraq ngoài những lo lắng về tình hình an ninh còn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao, điều kiện dịch vụ không được bảo đảm. Theo thống kê của LHQ, thanh niên Iraq chiếm tới 50% lượng người thất nghiệp, lên tới 1 triệu người.

Tháng 3 vừa qua, kỷ niệm 1 năm diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở nước này, gần 1.000 người Iraq đã tập trung biểu tình, lên tiếng chỉ trích những lời hứa suông mà chính trị gia nước này đưa ra. Trước đó, vào tháng 2, hàng ngàn người cũng đã tập trung biểu tình, riêng ở thủ đô Baghdad là 5.000 người, để tỏ thái độ giận dữ với chính phủ nước này. Thủ tướng Iraq Al-Maliki đã ra lệnh cho nội các lên kế hoạch cải tổ việc làm và dịch vụ công trong vòng 100 ngày, nhưng đó là một nhiệm vụ ít khả thi.

  • Mỹ “đốt tiền” ở chiến trường

Trong chuyến thăm bất ngờ kéo dài 2 ngày đến Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã khiến người Iraq nổi giận vì tuyên bố có thể kéo dài sự hiện diện của Mỹ tại quốc gia này thêm vài năm nữa, thay vì chỉ đến cuối năm nay như cam kết đưa ra trước đó.

Lãnh đạo dòng Shiite tại Iraq Moqtada al-Sadr tuyên bố nếu quân đội Mỹ vẫn tiếp tục ở lại Iraq, quân đội Mahdi do ông lãnh đạo sẽ quay lại đối đầu vũ trang. Hàng ngàn người dưới lời kêu gọi của vị lãnh đạo này cũng đã tập trung biểu tình tại Quảng trường Mustansiriyah, phía Bắc Baghdad. Tình hình Iraq ngày càng bế tắc, Mỹ không tài nào thoát ra khỏi bãi lầy để tái thiết được quốc gia này như lời cam kết ban đầu của mình.

Trong cuộc chiến này, kẻ trục lợi không ai khác là các nhà thầu quốc phòng, xây dựng, các công ty dầu khí Mỹ như Blackwater (hiện đổi tên thành Xe Services) - nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho tất cả nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại Iraq, hay Công ty Dầu khí Halliburton. Hiện nay, khoản nợ quốc gia của Mỹ đã lên đến 14.000 tỷ USD, số người thất nghiệp là 14 triệu người. Trong tổng kinh phí gần 1.200 tỷ USD mà Mỹ đổ vào chiến trường Iraq và Afghanistan thì hơn 750 tỷ USD là dành cho Iraq. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục