(SGGPO) Đây là những thông tin đáng lo ngại được công bố tại Tọa đàm chính sách Tiếp cận công lý cho phụ nữ bị bạo lực tình dục (BLTD) ở Việt Nam do Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức tại Hà Nội ngày 8-12.
Mặc dù hiện tại chưa có số liệu thống kê chính thức về các loại hình BLTD khác nhau tại Việt Nam, nhưng số liệu từ những nghiên cứu nhỏ gần đây chỉ ra tình trạng báo động của BLTD tại Việt Nam. Trong đó đáng chú ý có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng và khoảng 10% phụ nữ đã kết hôn tại Việt Nam từng bị chồng tấn công tình dục. Không chỉ có vậy, nghiên cứu cũng chỉ rõ có gần 30% phụ nữ hành nghề mại dâm tại Việt Nam cho biết họ từng là nạn nhân của BLTD và 22% trong số họ từng bị cưỡng bức tình dục.
Có đến 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng
Các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra BLTD có thể xảy ra ngay tại gia đình - nơi được cho là “an toàn” và “bình yên”. Nhiều người còn cho rằng “cưỡng bức tình dục” chỉ do người lạ gây ra, khi cưỡng ép để lại những tổn thương về thể xác cho nạn nhân. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây về 462 vụ việc cưỡng bức và tấn công tình dục đã chỉ ra một thực tế hoàn toàn khác. Đến 86% kẻ tình nghi có mối quan hệ quen biết với nạn nhân và phần lớn các vụ việc xảy ra tại nơi riêng tư.
Ông Chris Batt, Quản lý văn phòng UNODC Việt Nam cho biết, BLTD đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên đây lại là một trong những loại hình tội phạm ít bị truy tố nhất trên thế giới. Hơn nữa, chủ đề về BLTD lại thường bị coi là vấn đề nhạy cảm để thảo luận công khai vì sự kỳ thị đối với loại hình tội phạm này khiến những ai là nạn nhân buộc phải im lặng khi bị lạm dụng.
Tại buổi tọa đàm, nhiều thành viên tham dự cũng đã chia sẻ câu chuyện có thật về những khó khăn mà nạn nhân nữ bị BLTD gặp phải khi tìm kiếm công lý. Đồng thời đưa ra các ý kiến đề xuất cần phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa trong công tác tiếp cận công lý cho phụ nữ bị BLTD. Điều này đòi hỏi nhà nước cần có các biện pháp phòng chống BLTD, bảo vệ phụ nữ, truy tố và trừng phạt tội phạm và trợ giúp cho nạn nhân.
| |
KHÁNH NGUYỄN