Trên trang Nhịp cầu bạn đọc số ra ngày 18-4-2014 có đăng bài “Biến rạch thành cống hộp”, phản ánh tình trạng nhiều rạch ở các quận ven và huyện ngoại thành TPHCM bị biến thành cống hộp, để địa phương tận dụng mặt bằng chuyển thành đất đô thị, giao thông. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, về những trường hợp được san lấp kênh rạch đặt cống hộp và điều kiện kỹ thuật khi lắp đặt cống hộp.
- Phóng viên: Ông có thể cho biết việc quản lý kênh rạch tại TPHCM hiện nay được thực hiện như thế nào?
>> Ông TRẦN THẾ KỶ: Để quản lý kênh rạch, Sở GTVT TPHCM đã ban hành 2 quyết định 265/QĐ-GT ngày 9-2-2004 và 1642/QĐ-GTTCC ngày 29-5-2008, công bố danh mục và phân cấp quản lý hệ thống sông rạch phục vụ thoát nước trên địa bàn. Theo đó, cấp TP quản lý 680 tuyến rạch với chiều dài tổng cộng 845km và các quận - huyện quản lý 229 tuyến rạch với chiều dài tổng cộng 331km. Thông tin về tuyến và lộ giới các tuyến rạch này được công khai tại các địa phương. Trung tâm Chống ngập TP và UBND các quận - huyện có trách nhiệm duy tu, khai thông dòng chảy, đồng thời kiểm tra xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, san lấp 909 kênh rạch này. Với những kênh rạch nằm ngoài danh mục này, việc cải tạo thay thế bằng cống hộp và chuyển công năng tùy theo quy hoạch sử dụng đất.
- Những loại rạch nào sẽ được cho phép thay thế bằng cống hộp và yêu cầu cụ thể về kỹ thuật khi thay đổi?
Có 5 trường hợp kênh rạch có thể cho phép cống hộp hóa. Đó là các loại kênh rạch đầm hồ công cộng không nằm trong quy hoạch chi tiết thoát nước của khu vực đã được phê duyệt; các kênh rạch hoặc nhánh kênh rạch nằm gọn trong khu đất dự án mà việc cải tạo, thay thế bằng cống hộp không ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước của khu vực dự án và khu vực giáp với dự án; trường hợp lấp rạch để nắn dòng các tuyến sông rạch có dòng chảy quanh co; lấp nhiều tuyến nhỏ để gom lại thành một tuyến lớn có diện tích mặt nước tương đương với diện tích mặt nước các tuyến nhỏ bị lấp; lấp bớt kênh rạch ở những nơi có mật độ kênh rạch cao mà khoảng cách giữa các rạch dưới 500m, mà việc lấp rạch này không ảnh hưởng đến thoát nước của khu vực dự án và khu vực lân cận.
Yêu cầu chung khi cải tạo rạch là không làm thay đổi về hệ số mặt phủ; phải bố trí hồ điều tiết thay thế diện tích mặt nước bằng 1,2 lần diện tích rạch được cải tạo; phải đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực hoặc thay thế bằng giải pháp thoát nước khác.
- Dư luận cho rằng việc hộp hóa rạch là nguyên nhân gây ngập hiện nay. Biện pháp của Sở GTVT đối với vấn đề xử lý ngập nước như thế nào?
Về lý thuyết, việc cải tạo kênh rạch sẽ làm thay đổi diện tích mặt phủ, điều này sẽ rút ngắn thời gian tập trung dòng chảy, dẫn đến tình trạng quá tải của hệ thống thoát nước. Để phát huy hiệu quả hệ thống kênh rạch, cần phải có một số giải pháp bổ sung để có thể tận dụng kênh rạch làm chức năng điều tiết và chứa nước. TP đang triển khai nghiên cứu, thực hiện quy hoạch hệ thống các hồ điều tiết tại khu vực phù hợp. Trước mắt, rà soát cải tạo mảng xanh, các hồ cảnh quan làm hồ có chức năng điều tiết nước. Cụ thể hiện nay TP quy hoạch diện tích hồ điều tiết và mảng xanh ở các địa phương như sau: quận Thủ Đức có 28ha Công viên Gò Dưa, 8ha Linh Đông; quận 2 có 18ha hồ trung tâm khu Thủ Thiêm, 2ha phường An Phú; quận Bình Tân 1,4ha Công viên phường An Lạc; quận 7 có 7,4ha ao Song Tân; huyện Bình Chánh 84ha Công viên Vĩnh Lộc; quận 12 có 1,73ha phường An Phú Đông, 150ha Thạnh Xuân; quận Tân Bình có Công viên Bàu Cát; quận Gò Vấp có Công viên Gia Định.
TRẦN YÊN thực hiện