Ác mộng của cựu binh Mỹ

45% trong số 1,6 triệu cựu binh Mỹ trở về từ Iraq và Afghanistan đã nộp đơn xin trợ cấp thương tật. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, cho thấy một thực tế đáng buồn chưa từng thấy cho thế hệ cựu binh mới tại Mỹ.

45% trong số 1,6 triệu cựu binh Mỹ trở về từ Iraq và Afghanistan đã nộp đơn xin trợ cấp thương tật. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, cho thấy một thực tế đáng buồn chưa từng thấy cho thế hệ cựu binh mới tại Mỹ.

Số liệu do hãng tin AP thu thập được từ các quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ chỉ ra, những cựu binh này phải đối mặt với hồ sơ bệnh án chi chít nội dung liên quan đến bệnh lý về thể chất lẫn tinh thần. 45% là con số khá cao, hơn gấp đôi tỷ lệ 21% cựu binh trở về từ Chiến tranh vùng Vịnh (thập niên 1990) nộp đơn xin trợ cấp tàn tật. Trong khi đó, lính Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam đang nhận những khoản trợ cấp của chính phủ với trung bình một người chịu tối đa 4 căn bệnh hoặc cựu binh từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2 là hai căn bệnh thì sự hủy hoại đối với sức khỏe các cựu binh Mỹ trong thời đại mới đã tăng rất nhiều. Điều đáng chú ý là ngoài hàng trăm ngàn người bị mất đi một phần thân thể, có khoảng 400.000 cựu binh Mỹ đang được chữa trị do những chấn động tâm lý lớn.

Kinh tế bất ổn cùng việc phải chịu những chấn thương khiến các cựu binh phải chật vật để tái hòa nhập vào guồng máy lao động xã hội. Hiện chỉ có 1/3 trong số ấy được hưởng trợ cấp thất nghiệp, số còn lại vẫn đang loay hoay trước áp lực tìm việc hoặc áp lực có thể bị sa thải bất cứ lúc nào do phải cạnh tranh với những lao động khỏe mạnh. Điều này cũng dễ hiểu nếu nhìn lại cuộc khảo sát của Lầu Năm Góc trong những năm Mỹ mới phát động chiến tranh Afghanistan và sau đó là Iraq. Khi đó Tổng thống G.W. Bush hô hào các binh sĩ gia nhập quân đội, sẵn sàng đến Afghanistan và Iraq vì họ là những người yêu nước. Khảo sát Lầu Năm Góc đăng trên AlterNet năm 2007 cho thấy phần rất lớn thanh niên nhập ngũ vì hoàn cảnh nghèo, thất nghiệp và không có sự lựa chọn nào khác mà các chuyên gia cho rằng từ chính xác là “không có lối thoát”.

Tuy các cựu binh hy vọng vào số tiền trợ cấp thương binh nhưng chính phủ hỗ trợ cho lính Mỹ có tỷ lệ thương tật 10% dao động 127-2.769 USD/tháng. Mức cao nhất cũng chỉ bằng một nửa so với mức lương trung bình hơn 45.000 USD/năm của người Mỹ. Ngoài khoản chi chính thức cho khoảng 6.400 người thiệt mạng khi tham gia các cuộc chiến từ sau vụ khủng bố 11-9 đến nay, Mỹ không có quỹ riêng biệt để trợ cấp cho các đối tượng trên. Số doanh nghiệp tự nguyện tiếp nhận lao động là lính Mỹ trở về sau chiến tranh cũng hiếm. Tiên phong là tập đoàn giải trí Walt Disney đầu năm nay cam kết sẽ cung cấp 1.000 việc làm cho cựu binh Mỹ, theo tinh thần của chiến dịch mà họ tổ chức “Những anh hùng làm việc tại đây”.

Một vấn đề gây bức xúc với những cựu binh Mỹ là họ trở về với thân thể không còn lành lặn, nhưng phải mất thời gian khá lâu (có khí đến 8 tháng) sau đó mới được xác nhận trong tình trạng thương tật để có tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Trên giấy tờ, họ vẫn trong tình trạng “đang phục vụ” mà chưa được chuyển sang “cựu binh”.

Nhà kinh tế học Linda Bilmes tại Đại học Harvard ước chừng chi phí chăm sóc sức khỏe cho những thương binh trong những cuộc chiến gần đây là khoảng 600-900 tỷ USD. Nhà báo Susan Graybeal bình luận, đó cái giá quá lớn không chỉ về vật chất mà về nguồn nhân lực mà các nhà lãnh đạo đã không tính tới khi bắt đầu chiến tranh. Ngày họ nhập ngũ lên đường sang chiến trường Iraq hoặc Afghanistan, họ được hứa hẹn một tương lai tươi đẹp mà giờ đây chỉ còn cơn ác mộng.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục