Tại Việt Nam hiện nay, nhiều nhân sự ngành kế toán, kiểm toán có bằng ACCA đang giữ các vị trí quan trọng trong các công ty và tập đoàn đa quốc gia. Nhiều người được cử đi làm việc ở nước ngoài hoặc mở doanh nghiệp riêng. Thực tế, để học tập và lấy được bằng ACCA không hề dễ chút nào.
Danh tiếng và mối quan hệ
Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (viết tắt là ACCA - Association of Chartered Certified Accountants) là một tổ chức nghề nghiệp rất uy tín trong ngành kế toán - kiểm toán toàn cầu. Thương hiệu ACCA luôn được khẳng định thông qua quan hệ hợp tác của Hiệp hội với các tổ chức uy tín trên thế giới như nhiều công ty, tập đoàn, các trường đại học danh tiếng, hiệp hội nghề nghiệp địa phương và các cơ quan chính phủ.
Ra đời năm 1904 tại Luân Đôn (Anh), ACCA hiện nay có trên 325.000 sinh viên và 122.000 hội viên tại 170 quốc gia. ACCA được hơn 7.500 công ty trên thế giới công nhận. Danh tiếng ACCA trước hết được hình thành từ chất lượng của những chứng chỉ nghề nghiệp do Hiệp hội cấp và bằng cấp liên thông với trường đại học hàng đầu của Anh: Đại học Oxford Brookes.
Hệ thống bằng cấp của ACCA bao gồm: CAT (Chứng chỉ kế toán quốc tế); các bằng cấp liên thông với Đại học Oxford Brookes (gồm bằng Cử nhân); Kế toán ứng dụng và bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) do Đại học Oxford Brookes cấp dựa trên kết quả thi ACCA; DipFM (bằng Quản trị Tài chính cho quản lý ngoài ngành).

Lễ trao bằng tốt nghiệp ACCA cho 43 sinh viên tốt nghiệp tại TPHCM tháng 7-2009 vừa qua.
Bằng ACCA trang bị cho hội viên những kỹ năng chuyên môn sâu rộng có thể sử dụng được ở nhiều lĩnh vực, do đó được các nhà tuyển dụng khắp nơi trên thế giới tín nhiệm. Hiện nay, gần một nửa hội viên ACCA Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài. Rất nhiều hội viên ACCA đang nắm giữ chức vụ cao trong các công ty như Giám đốc, Giám đốc kiểm toán, Chủ nhiệm Kiểm toán cao cấp tại các công ty kiểm toán, Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng của công ty đa quốc gia, liên doanh, v.v…
Nhiều người được cử đi làm việc ở chi nhánh doanh nghiệp ngoài nước. Một số công ty, tập đoàn lớn tham gia chương trình hợp tác đào tạo nhân viên kế toán, kiểm toán, tài chính cùng ACCA tại Việt Nam là Ernst & Young, KPMG, PricewaterhouseCoopers, Deloitte, thuốc lá B.A.T, BP, Grant Thornton, A&C, MeKong Capital, P&G, Unilever…
Lấy bằng ACCA khó như thế nào?
Thời gian qua, ngành kiểm toán của Việt Nam đã có bước phát triển khá nhanh chóng với hơn 160 công ty kiểm toán và hơn 1.500 người được cấp chứng chỉ. Trong thời gian tới, nhu cầu nhân sự ngành kiểm toán ở Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng khoán với hơn 300 công ty niêm yết, hơn 1.000 công ty đại chúng đã đăng ký. Việc phát triển ngành nghề kiểm toán độc lập với chất lượng dịch vụ cao đạt chuẩn mực quốc tế là xu hướng tất yếu. |
Để có được bằng ACCA, học viên phải thi hết 14 môn, hoàn tất một khóa học trên mạng về đạo đức nghề nghiệp. Học viên cũng phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm thực tế liên quan đến ngành tài chính - kế toán thì mới được công nhận là hội viên chính thức của ACCA. Điểm thi được bảo lưu trong vòng 10 năm.
Nếu có bằng đại học với bất kỳ chuyên ngành nào, bạn có thể đăng ký chính thức trở thành học viên của chương trình ACCA. Đối với những người không có bằng đại học, bạn phải đáp ứng 2 điều kiện: trên 21 tuổi và thi đậu 2 môn là Kế toán Quản trị và Kế toán Tài chính trong chương trình ACCA.
Nếu đậu, bạn sẽ được công nhận là học viên chính thức với mọi chế độ quản lý và quyền lợi như các học viên có bằng đại học. Trong trường hợp không thi đậu, học viên có thể tham gia chương trình kế toán quốc tế CAT để có kiến thức nền tảng chuyển tiếp vào học ACCA. CAT là một dạng chứng chỉ nghề nghiệp nên học viên bên cạnh việc phải hoàn tất 9 môn thi phải tích lũy được ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán mới chính thức được cấp bằng CAT.
Một học sinh tốt nghiệp phổ thông nếu trên 16 tuổi sẽ đủ điều kiện để bắt đầu học và thi chứng chỉ CAT song song với việc học các bằng cấp cao đẳng, đại học khác. Nếu tốt nghiệp CAT sau khoảng một năm rưỡi đến hai năm, bạn có thể được nhận vào làm ngay trong bộ phận kế toán tài chính của các công ty đa quốc gia hoặc hãng kiểm toán, đồng thời có thể học tiếp lên chương trình ACCA.
Tuy lấy được bằng ACCA là không dễ nhưng trong 5 năm qua, con số học viên và hội viên ACCA tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng: từ trên 100 học viên và 11 hội viên vào đầu năm 2002 (năm ACCA vào Việt Nam), đến nay đã có hơn 3.500 học viên và gần 400 hội viên ACCA chính thức tại Việt Nam.
Kỳ thi quốc tế ACCA được tổ chức trên toàn cầu với cùng đề thi và giờ thi theo hai đợt: đầu tháng 6 và đầu tháng 12. Tại Việt Nam, hai tổ chức được ACCA ủy nhiệm việc tổ chức thi là Trung tâm International Language Academy (ILA) tại TPHCM và Hội đồng Anh (British Council) tại Hà Nội.
Thụy Nguyễn tổng hợp