(SGGPO). - Sáng ngày 11-10, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Chiến lược đối tác quốc gia 2016-2020 nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm tới.
Chiến lược đối tác quốc gia của ADB giai đoạn 2016-2020 được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội ấn tượng. Đáng chú ý, theo các chuyên gia ADB, Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh chóng trong giảm nghèo và nâng cao chất lượng y tế và giáo dục. Tuy nhiên, theo ADB, Việt Nam cũng đang bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn. Tăng trưởng đang gây thiệt hại về môi trường, biến đổi khí hậu. Sự gia tăng nhanh dân số trong độ tuổi lao động trước đây bắt đầu giảm dần, đồng thời các nhóm nghèo vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: “Để giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết những thách thức này, ADB sẽ hỗ trợ những khoản đầu tư nhằm đạt được 3 trụ cột chiến lược: Thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh; tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ đồng đều hơn; cải cách tính bền vững môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”.
ADB tổ chức họp báo công bố Chiến lược đối tác quốc gia 2016-2020 cho Việt Nam
ADB khuyến nghị, việc Việt Nam chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình đòi hỏi những cải thiện về hiệu quả chi tiêu công và đầu tư nhiều hơn cho khu vực tư nhân. ADB sẽ hỗ trợ cả 2 vấn đề này, giúp tăng quy mô đầu tư của khu vực tư nhân thông qua phương thức hợp tác công – tư, đồng thời tăng cường tiếp cận kiến thức và công nghệ mới. ADB cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam sử dụng một cách bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như các biện pháp nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. “Chia sẻ trí thức sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mới của ADB dành cho Việt Nam, với trọng tâm là tăng cường môi trường thuận lợi cho kinh doanh, thúc đẩy minh bạch tài khóa và trách nhiệm giải trình của khu vực công” – ông Eric Sidgwick nhấn mạnh thêm.
Về nguồn lực dự kiến cho chiến lược mới, ADB đề xuất cho Việt Nam vay 4,3 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2019 từ nguồn cho vay ưu đãi và nguồn cho vay thông thường của ADB. Theo đó, ADB sẽ duy trì mức cho vay chính phủ khoảng 1 tỷ USD mỗi năm; hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại khoảng 5-7 triệu USD mỗi năm; đồng tài trợ từ các đối tác phát triển và các quỹ khí hậu khoảng 1,4 tỷ USD; đồng thời huy động sự hỗ trợ lớn hơn từ các quỹ khí hậu toàn cầu.
HÀM YÊN