Ai Cập: Khủng hoảng chính trị leo thang

Hơn 400 đơn khiếu nại sau bầu cử
Ai Cập: Khủng hoảng chính trị leo thang

Ngày 22-6, cả nước Ai Cập chìm trong các cuộc biểu tình từ suốt đêm hôm trước sau khi Ủy ban bầu cử tổng thống Ai Cập cho biết kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 của nước này đã bị hoãn và sẽ công bố vào ngày 24-6 để xem xét lại những khiếu nại và kiểm lại phiếu bầu. Hiện làn sóng biểu tình phản đối Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang cầm quyền (SCAF) diễn ra rầm rộ không chỉ tại thủ đô Cairo mà còn ở nhiều nơi khác trên toàn Ai Cập.

Hàng ngàn người Ai Cập biểu tình tại Quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo để ủng hộ ứng cử viên Mahamed Morsy của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Hàng ngàn người Ai Cập biểu tình tại Quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo để ủng hộ ứng cử viên Mahamed Morsy của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Hơn 400 đơn khiếu nại sau bầu cử

Tính đến nay, nhóm vận động tranh cử của cả hai ứng cử viên Mohamed Morsy thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo và Ahmed Shafiq - Thủ tướng dưới thời Tổng thống bị phế truất Hosni Mubarak đã nộp 410 đơn khiếu nại liên quan tới những tỉnh và khu vực cụ thể, nhất là những nơi có sự khác biệt lớn về số phiếu bầu có lợi cho ứng cử viên khác.

Mặc dù Ủy ban bầu cử nhấn mạnh sẽ tiếp tục xem xét các đơn kháng cáo và quá trình này đòi hỏi có thêm thời gian trước khi kết quả cuối cùng được công bố, nhưng Tổ chức Anh em Hồi giáo tỏ ý nghi ngờ về việc trì hoãn thông báo kết quả, cảnh báo quân đội không được làm sai lệch kết quả bầu cử trong bối cảnh nhóm vận động tranh cử của cả hai ứng cử viên đều tuyên bố giành chiến thắng.

Trong khi đó, báo chí Ai Cập tiếp tục đứng về phía quân đội và khẳng định Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang sẽ không trao quyền cho tới khi hiến pháp mới được ban hành. Trước đó, ngày 17-6, SCAF cũng đã công bố hiến pháp sửa đổi do SCAF ban hành, theo đó SCAF sẽ đảm nhận chức năng lập pháp cho đến khi Quốc hội Ai Cập (bị giải tán ngày 15-6) được bầu lại.

Đồng thời, SCAF cũng chịu trách nhiệm về ngân sách quốc gia và việc xây dựng một hiến pháp mới. Tân tổng thống Ai Cập sẽ không giữ chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Chuẩn bị cho tình huống xấu

Ngày 21-6, quân đội Ai Cập đã tăng cường lực lượng trên tuyến đường nối giữa thủ đô Cairo và TP Alexandria. Đây là lần đầu tiên có số lượng xe quân sự được triển khai nhiều như vậy gần Cairo kể từ khi nổ ra làn sóng chống đối năm 2011, lật đổ Tổng thống H. Mubarak. Tổ chức Anh em Hồi giáo đã huy động hàng ngàn thành viên của tổ chức này từ các tỉnh thành đổ về Cairo tham gia biểu tình. Người biểu tình hô các khẩu hiệu phản đối SCAF giải tán quốc hội cũng như sắc lệnh của Bộ Quốc phòng cho phép cảnh sát quân đội điều tra và bắt giữ thường dân.

Giới phân tích cho rằng, dù ứng cử viên nào giành thắng lợi, Ai Cập vẫn sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Hiện tại lực lượng cảnh sát và binh sĩ đang được cử đến bảo vệ các cơ sở chính trị và kinh tế trọng yếu, trong đó có kênh đào Suez. Trước đó, một nguồn tin từ nội các Ai Cập cho biết Bộ Nội vụ đã trình báo cáo lên Thủ tướng Kamal al-Ganzouri kế hoạch bảo vệ các cơ sở trọng yếu sau khi kết quả bầu cử tổng thống được thông báo.

Theo đó, Bộ Nội vụ có kế hoạch tăng cường sự hiện diện an ninh, phối hợp với hội đồng quân sự cầm quyền và bảo vệ các đồn cảnh sát cũng như cơ quan chính phủ, nếu bạo lực nổ ra sau khi kết quả bầu cử được thông báo.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng bày tỏ mong muốn hội đồng quân sự Ai Cập chuyển giao toàn bộ quyền lực cho một chính phủ dân sự, đáp ứng nguyện vọng của người dân Ai Cập cũng như cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một thể chế nhà nước dân chủ, vững mạnh và đại diện cho nhân dân. Mỹ và Pháp cũng kêu gọi SCAF tuân thủ cam kết chuyển giao quyền lực theo đúng lịch trình.

H.Chi (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục