Ai Cập vẫn chưa yên

Kết thúc giai đoạn chuyển tiếp
Ai Cập vẫn chưa yên

Kể từ ngày khai giảng 21-9 vừa qua, các cuộc biểu tình, tuần hành, bãi khóa ủng hộ ông Morsi và phản đối “đảo chính quân sự” đã nổ ra tại hàng loạt trường đại học trên khắp Ai Cập. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập tuyên bố giai đoạn chuyển tiếp của chính phủ nước này sẽ kết thúc vào mùa xuân tới.

Bạo loạn đã lan đến các trường đại học trên khắp Ai Cập.

Bạo loạn đã lan đến các trường đại học trên khắp Ai Cập.

Kết thúc giai đoạn chuyển tiếp

Giao tranh đã nổ ra giữa các nhóm sinh viên đối lập tại Đại học Ain Shams ở thủ đô Cairo, khiến ít nhất 12 người bị thương. Theo nhật báo Al Ahram, nhiều sinh viên, trong đó một số được trang bị súng và bom xăng, đã tham gia các cuộc ẩu đả tại Đại học Zagazig ở tỉnh miền Bắc Sharqiya - quê hương của cựu Tổng thống Mohamed Morsi, khiến ít nhất 15 người bị thương.

Theo Ngoại trưởng Ai Cập, khi giai đoạn chuyển tiếp của chính phủ Ai Cập kết thúc cũng là lúc giới lãnh đạo được bổ nhiệm sau khi quân đội lật đổ Tổng thống được bầu Mohamed Morsi hồi tháng 7 được thay thế. Ông tuyên bố “Ai Cập đang đi đúng lộ trình chuyển tiếp và đến nay chính phủ đã hoàn tất việc thiết lập nguyên tắc của luật pháp, tự do và dân chủ với tư cách là nền tảng cho điều hành đất nước. Tiếp theo sẽ là cuộc bầu cử quốc hội, sau đó là bầu cử tổng thống, và giai đoạn chuyển tiếp sẽ kết thúc vào mùa xuân tới”.

Xem xét vai trò quân đội

Hiện Ủy ban Sửa đổi hiến pháp gồm 50 thành viên đại diện cho tất cả các lực lượng chính trị, tôn giáo và thành phần xã hội của Ai Cập đã bỏ phiếu thông qua 1/3 điều khoản của dự thảo hiến pháp, trong đó chủ yếu là các điều khoản không gây tranh cãi về các quyền tự do cơ bản và hiện đang nghiêng về ủng hộ việc xóa bỏ vĩnh viễn Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập) cũng như tất cả các phiên tòa quân sự xét xử dân thường.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Ủy ban Sửa đổi hiến pháp Mohammed Salmawy, có khả năng dự thảo hiến pháp mới sẽ được viết lại hoàn toàn, thay đổi hoàn toàn hệ thống bầu cử được áp dụng sau làn sóng lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak đầu năm 2011.

Ủy ban Sửa đổi hiến pháp được Tổng thống lâm thời Ai Cập Atly Mansour bổ nhiệm, với thành phần áp đảo bao gồm các đại diện của các lực lượng tự do và cánh tả. Đây là lần thứ 3 trong vòng chưa đầy 3 năm, Ai Cập tiến hành sửa đổi hiến pháp. Ngoài ra, ủy ban này cũng đang xem xét xóa bỏ một điều khoản trong Hiến pháp năm 2012, theo đó cho phép truy tố các nhà báo có các bài viết sai sự thật, đồng thời cũng đã thành lập một tiểu ban đặc biệt nhằm xem xét các điều khoản liên quan đến vai trò của quân đội trong hiến pháp mới. Tiểu ban nói trên do một giáo sư Đại học Cairo đứng đầu, với thành phần gồm hai đại diện của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) và 3 thành viên hàng đầu của Ủy ban Sửa đổi hiến pháp.

Trong khi đó, ông Mahmoud Badr, người sáng lập phong trào Tamarod (Nổi dậy) - lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30-6 dẫn tới việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Morsi - cho biết đang có ý định thành lập một chính đảng nhằm tránh nguy cơ rơi vào tình cảnh bị cấm hoạt động như tổ chức Anh em Hồi giáo. Còn Chủ tịch Ủy ban Sửa đổi hiến pháp Amr Moussa cho biết những người ủng hộ hiến pháp mới đang có ý định tổ chức các hoạt động “vận động hành lang” trong bối cảnh phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi đang lên kế hoạch phát động chiến dịch tẩy chay văn bản này nhằm làm suy yếu chính phủ do quân đội hậu thuẫn.

Theo nhà bình luận nổi tiếng Abdullah el-Sinawi của truyền thông Ai Cập, tình hình ở Ai Cập phức tạp hơn nhiều và dự báo nhiều làn sóng biểu tình mới của phe Hồi giáo ủng hộ ông Morsi sẽ tiếp tục xảy ra.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục