Asian Games 16-2010

Ai chịu trách nhiệm về thành tích của đoàn Việt Nam

Ngay từ đầu năm 2010, SGGP Thể Thao đã báo trước về một cái kết chẳng mấy tươi sáng của đoàn Việt Nam, khi điểm qua lực lượng và sự chuẩn bị của ngành thể thao cho các đội tuyển ở đấu trường lớn nhất châu Á. Đồng thời đã lên tiếng rất nhiều lần trong suốt giai đoạn trước thềm Á vận hội, nhằm có thể thúc đẩy sự chuẩn bị tốt hơn. Thế nhưng, tất cả đều rơi và thinh không, và hệ quả đã nhãn tiền, khi ngọn đuốc đại hội đã tắt vào tối qua tại Quảng Châu…
Ai chịu trách nhiệm về thành tích của đoàn Việt Nam

Ngay từ đầu năm 2010, SGGP Thể Thao đã báo trước về một cái kết chẳng mấy tươi sáng của đoàn Việt Nam, khi điểm qua lực lượng và sự chuẩn bị của ngành thể thao cho các đội tuyển ở đấu trường lớn nhất châu Á. Đồng thời đã lên tiếng rất nhiều lần trong suốt giai đoạn trước thềm Á vận hội, nhằm có thể thúc đẩy sự chuẩn bị tốt hơn. Thế nhưng, tất cả đều rơi và thinh không, và hệ quả đã nhãn tiền, khi ngọn đuốc đại hội đã tắt vào tối qua tại Quảng Châu…

  • Lượng nhiều, chất... tệ hại 

Thi đấu thể thao, tất cả kết quả đều phải tính ra số huy chương và thành tích. Nhìn vào bảng tổng sắp Asian Games 16, Việt Nam xếp thứ 23/35 đoàn có huy chương với 1 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ, và đứng thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan (11V, 9B, 32Đ), Maylaysia (9, 18, 14), Indonesia (4, 9, 13), Singapore (4, 7, 6), Philippines (3, 4, 9).

Thế nhưng, Asian Games là kỳ đại hội thể thao Việt Nam góp mặt đông nhất với khoảng 400 thành viên, trong đó có 263 tuyển thủ. Một con số kỷ lục, nhưng chất lượng lại là một tỷ lệ nghịch thảm hại, đoạt vỏn vẹn 1 HCV. Con số chỉ bằng với kỳ đại hội mà thể thao Việt Nam ở những ngày đầu hội nhập đấu trường châu lục tại Asian Games 1994.

Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành trong lễ khai mạc hôm 12-11.

Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành trong lễ khai mạc hôm 12-11.

Nói điều này, có lẽ nhiều người sẽ tự an ủi rằng, dù chỉ được 1 HCV, nhưng chúng ta đã có đến 17 HCB, nghĩa là số người vào chung kết đông hơn, cơ hội lấy vàng cũng rất nhiều. Tuy nhiên, đó chỉ là sự an ủi cho đỡ… tủi. Bởi dù cơ hội ở chung kết nhiều như thế, nhưng chúng ta chỉ có đúng 1 lần lên ngôi vô địch môn karatedo của võ sĩ Lê Bích Phương. Ngoài ra, nếu xét dễ dãi (như kiểu nói không vàng mà quý như vàng của ông Hoàng Vĩnh Giang), có lẽ những chiếc HCB hay đồng ở môn điền kinh mới thực sự là như thế. Ở bất cứ một đại hội thể thao nào, dù có đoạt 100 HCB đi nữa thì vẫn đứng sau 1 HCV!

Cách đây 4 năm, ở Asian Games 15-2006, đoàn thể thao Việt Nam cũng góp mặt rất đông (hơn 350 thành viên) nhờ nước chủ nhà Qatar giàu có bao trọn gói ăn ở, và ngành thể thao Việt Nam đã “tranh thủ” cho các đội đi… cọ xát. Thế nhưng lần ấy, đoàn Việt Nam cũng chỉ đoạt có 3 HCV, thua cả Asian Games 2002 (4 HCV). Kết quả, Trưởng đoàn khi ấy là ông Nguyễn Hồng Minh đã công khai xin lỗi người hâm mộ cả nước, vì đoàn thể thao Việt Nam không hoàn thành nhiệm vụ. Nay sau 4 năm, tối 26-11, Trưởng đoàn Lê Quý Phượng cũng đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ vì thành tích cực kỳ kém cỏi của thể thao Việt Nam tại Asian Games 16.

Dù đã dự đoán trước, thế nhưng, chúng tôi và những người hâm mộ thể thao nước nhà vẫn cảm thấy rất sốc, khi sau 16 năm, kể từ ngày đoạt được chiếc HCV đầu tiên ở Asian Games 1994 tại Hiroshima (Nhật Bản) của võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ, thể thao Việt Nam cái gì cũng tăng lên, nhưng thành tích lại rớt xuống bằng thời kỳ đầu. Thậm chí, môn taekwondo từng là mũi nhọn lấy vàng cho thể thao Việt Nam tại Á vận hội, nhưng giờ trắng HCV suốt 3 kỳ đại hội (kể từ năm 2002).

  • Chẳng lẽ cứ xin lỗi rồi thôi? 

Dù Trưởng đoàn Lê Quý Phượng đã chính thức lên tiếng xin lỗi người hâm mộ, nhưng nói thật, chúng tôi và dư luận chẳng trách cứ gì ông. Bởi dù đang là Phó Tổng cục TDTT, nhưng có thể nói, ông vẫn là “người ngoại đạo” về chuyên môn, khi lãnh vực chính ông phụ trách là y học TDTT, và chức trưởng đoàn có thể thấy là ông bị “ấn vào”, chứ chưa chắc là điều ông muốn.

Ngay trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vào chiều 26-11, chúng tôi có thể cảm nhận rất rõ cái sự “ngoài cuộc” của ông Phượng, khi ông nhìn ra khá nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của thể thao Việt Nam tại Á vận hội, như sự đầu tư chuẩn bị, thiếu cơ hội cọ xát, lực lượng kế thừa quá mỏng, thậm chí là tranh đoạt thành tích mà đa phần là trông chờ vào sự hên xui. Tuy nhiên, ông chỉ có thể góp ý, lẫn tư vấn với những nhà hoạch định chiến lược của thể thao Việt Nam, như lời ông bày tỏ.

Thế ai là nhà hoạch định chiến lược lâu nay của đoàn thể thao Việt Nam, để rồi thành tích ngày càng tuột dốc thảm hại ở đấu trường danh giá nhất châu Á? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính thức cái kết cuộc bị đát của thể thao nước nhà sau Á vận hội?

Có lẽ, người hâm mộ thật khó chấp nhận sau 2 kỳ đại hội liên tiếp góp mặt với số lượng thành viên đông kỷ lục, và tốn kém quá nhiều tiền của, nhưng thành tích lại sút giảm tệ hại, để rồi chỉ đơn giản với một câu xin lỗi người hâm mộ cả nước, rồi coi như xong.

Sự tệ hại sẽ còn lặp lại đến bao giờ?

TUẤN THÀNH

Tin cùng chuyên mục