Asian Games 2010:

Chung kết môn bóng đá nam: Nhật Bản lần đầu tiên lên ngôi

Chung kết môn bóng đá nam: Nhật Bản lần đầu tiên lên ngôi

Vài ngày sau khi đội tuyển nữ đoạt chiếc HCV, hôm qua đến lượt đội tuyển Olympic Nhật Bản lên ngôi vô địch ở môn bóng đá nam, khép lại một kỳ Asian Games thành công nhất trong lịch sử của bóng đá xứ sở mặt trời mọc. Dĩ nhiên, pha làm bàn của hậu vệ Yuki Saneto ở phút thứ 74 của trận đấu đã giúp anh trở thành người hùng thực sự của bóng đá Nhật Bản ở trận chung kết mà họ bị đội bóng UAE dồn ép đến nghẹt thở.

Đội Olympic Nhật Bản trong niềm vui đoạt HCV. Ảnh: A.P

Đội Olympic Nhật Bản trong niềm vui đoạt HCV. Ảnh: A.P

Chiếc HCV môn bóng đá nam là điều mà Nhật Bản chưa từng làm được qua 15 kỳ Asian Games trước. Đây mới chỉ là lần thứ nhì, Nhật Bản góp mặt ở một trận chung kết. 8 năm trước, họ từng ngậm ngùi rời Busan (Hàn Quốc) sau trận thua đầy tiếc nuối 1-2 trước Iran. Thế nhưng, cũng trong trận chung kết với một đội bóng Tây Á khác, lần này là UAE, Olympic Nhật Bản đã đổi được vận. HLV trưởng Takashi Sekizuka có lẽ là người hạnh phúc nhất khi chứng kiến các học trò của mình chịu đựng sự tra tấn những đợt tấn công không ngơi nghỉ của Olympic UAE.

Hôm qua, thủ môn Shunsuke Ando đã chơi tuyệt hay, ngăn chặn thành công 6 cú dứt điểm nguy hiểm của các chân sút UAE. Không ghi được bàn thắng trong thế trận ép sân đối phương, UAE trả giá ở phút thứ 74 sau pha làm bàn của hậu vệ Yuki Saneto. Thắng 1-0, Olympic Nhật Bản đoạt ngôi vô địch lần đầu tiên trong lịch sử. Như vậy, bóng đá Nhật Bản đã “gom” đủ 2 chiếc HCV của môn bóng đá ở Asian Games 2010.

Ở trận tranh hạng 3 trước đó, Olympic Hàn Quốc đã giành chiến thắng 4-3 trước Olympic Iran trong thế trận tấn công rất cởi mở của cả hai bên.

VIỆT HÙNG

Nhật Bản làm nên lịch sử

Đăng quang cả ở giải nam lẫn giải nữ, bóng đá Nhật Bản đã mở ra một trang sử vĩ đại nhất ở Asian Games Quảng Châu 2010. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản giành được tấm HCV môn bóng đá nam, và cũng là lần đầu tiên họ giành được tấm HCV trong môn bóng đá nữ. Thậm chí, đây còn là lần đầu tiên trong lịch sử ở các kỳ Asian Games, một làng bóng đá đã chứng tỏ sự thống trị của mình cả ở hai đấu trường dành cho phái mạnh và phái yếu.

  • Cột mốc lịch sử vĩ đại

Hôm 22-11, đội tuyển nữ Nhật Bản đã hạ nhà ĐKVĐ CHDCND Triều Tiên với bàn thắng duy nhất của hậu vệ Azusa Iwashimizu. Ba hôm sau, hôm 25-11, đến phiên đội Olympic nam Nhật Bản đánh bại đội Olympic nam UAE nhờ bàn thắng duy nhất của Yuki Saneto. Cả 2 bàn thắng đều được ghi ở phút thứ… 74 của các trận đấu chung kết. Con số 74 đã trở thành một con số đáng nhớ nhất với người hâm mộ bóng đá Nhật Bản trong năm 2010.

Thế là, sau đúng 1 lần giành HCB (ở Busan 2002) và 2 lần giành HCĐ (ở New Dehli 1951 và Bangkok 1966) trong nội dung thi đấu của nam; cũng như sau 3 lần giành HCB (ở Bắc Kinh 1990, Hiroshima 1994 và Doha 2006) và 2 lần giành lấy HCĐ (ở Bangkok 1966 và Busan 2002) trong nội dung thi đấu dành cho nữ, cuối cùng thì làng bóng đá Nhật Bản đã giành được những chiếc HCV danh giá và cao quý mà họ hoàn toàn xứng đáng được hưởng.

Yuki Saneto (2) chung vui cùng đồng đội sau bàn thắng vào lưới UAE.

Yuki Saneto (2) chung vui cùng đồng đội sau bàn thắng vào lưới UAE.

  • Chiến thắng xứng đáng

Với những người cực đoan, chiến thắng của cả đội Olympic nam Nhật Bản lẫn đội tuyển nữ Nhật Bản có thể là chiến thắng của thứ bóng đá thực dụng đáng chê trách, nhưng hãy khách quan một chút để nhìn nhận rằng, đó là chiến thắng rất xứng đáng của lối bóng đá khoa học, biết tính toán, có đầu óc và cực kỳ thông minh.

Không phải tự nhiên mà đội Olympic nam Nhật Bản đã giành được 7 trận toàn thắng và chỉ để lọt lưới đúng 1 bàn (thắng chủ nhà Trung Quốc 3-0, thắng Malaysia 2-0 và thắng Kyrgyzstan 3-0 đều ở vòng bảng, thắng Ấn Độ 5-0 ở vòng 16, thắng Thái Lan 1-0 ở tứ kết, thắng Iran 2-1 ở bán kết và cuối cùng thắng UAE 1-0 ở chung kết).

Trong khi đó, đội tuyển nữ Nhật Bản cũng đăng quang đầy xứng đáng khi không để thua trận nào và cũng không để lọt lưới bàn nào, thậm chí còn quật đổ một cách thuyết phục cả 2 cường quốc bóng đá nữ đẳng cấp thế giới là đội chủ nhà Trung Quốc ở bán kết và nhà ĐKVĐ CHDCND Triều Tiên ở trận đấu chung kết (đều thắng với tỷ số 1-0).

  • Niềm vui Nhật Bản

Ngay sau khi nhận tin đội tuyển nữ Nhật Bản đã giành HCV Olympic, chính nhà cầm quân tiếng tăm người Italia Alberto Zaccheroni - hiện đang đảm nhận trọng trách HLV trưởng đội tuyển Nhật Bản - cho biết rằng chiến thắng này sẽ giúp truyền cảm hứng cho đội tuyển Nhật Bản trước thềm Asian Cup (giải vô địch châu Á) sẽ diễn ra tại Qatar vào năm sau. HLV Zaccheroni nói: “Nadeshiko (tạm hiểu là “Những cô gái xinh đẹp, là biệt danh của đội tuyển nữ Nhật Bản) Nhật Bản đã để lại dấu ấn về sức mạnh và sự phát triển ở đấu trường Asian Games. Các chàng trai của chúng tôi cũng mong ước có sự tiến bộ giống như vậy, và thậm chí còn xuất sắc hơn”.

Chứng kiến màn trình diễn xuất sắc của các học trò, HLV trưởng đội Olympic nam nhật Bản Takashi Sekizuka vui sướng nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đã chứng tỏ được sức mạnh Nhật Bản và phong cách thi đấu của Nhật Bản. UAE đã chơi tốt và lấn lướt trong nhiều thời gian bóng lăn, nhưng họ không tận dụng được cơ hội nào trong khi chúng tôi tỏ ra rất hiệu quả trong khâu dứt điểm. Chúng tôi đã chơi một trận đấu thật sự tập trung và giành chiến thắng xứng đáng. Tôi rất vui sướng trước chiến thắng lịch sử này. Các cầu thủ đã trở thành người hùng của cả đất nước Nhật Bản. Cả nam lẫn nữ đều là những người hùng”.

HOÀNG DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục