Điền kinh Việt Nam tại Asian Games 2010: Ra đường lớn mà chạy...

Đây là lần đầu tiên điền kinh Việt Nam ghi dấu ấn lịch sử tưng bừng đến thế ở đấu trường Asian Games. Khép lại cuộc tranh tài lớn với 3 HCB và 2 HCĐ, điền kinh Việt Nam thậm chí còn gây ngạc nhiên cho rất nhiều quốc gia ở châu Á. Chẳng mấy người để ý đến Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện cho đến khi họ buộc người khác phải ngước nhìn bằng ánh mắt khâm phục và nể nang…
Điền kinh Việt Nam tại Asian Games 2010: Ra đường lớn mà chạy...

Đây là lần đầu tiên điền kinh Việt Nam ghi dấu ấn lịch sử tưng bừng đến thế ở đấu trường Asian Games. Khép lại cuộc tranh tài lớn với 3 HCB và 2 HCĐ, điền kinh Việt Nam thậm chí còn gây ngạc nhiên cho rất nhiều quốc gia ở châu Á. Chẳng mấy người để ý đến Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện cho đến khi họ buộc người khác phải ngước nhìn bằng ánh mắt khâm phục và nể nang…

  • Những người mở đường

Buổi chiều muộn Quảng Châu 22-11 đã trở thành cột mốc không thể quên của thể thao Việt Nam. Hôm ấy, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương đã biến giấc mơ giành huy chương ở đấu trường Asian Games của điền kinh Việt Nam thành hiện thực. Chiếc HCĐ của Hương ở cự ly 100m nữ, nếu so với các quốc gia khác chỉ mang ý nghĩa bình thường, nhưng với điền kinh Việt Nam, chiếc huy chương ấy đã thay đổi rất nhiều điều. Nó giúp điền kinh Việt Nam làm cú vượt vũ môn đầy thách thức và tồn tại từ rất nhiều năm qua.

Sau Hương, đến lượt Trương Thanh Hằng bùng nổ trên đường chạy trung bình. Hằng về đích thứ nhì cả 2 cự ly 800m và 1.500m. Cùng với 2 chiếc HCB ấy, Thanh Hằng còn phá sâu kỷ lục Đông Nam Á mà cô giữ suốt thời gian qua. Khép lại cuộc hành trình ấn tượng và đáng nhớ cho điền kinh Việt Nam chính là “người không phổi” Vũ Văn Huyện với chiếc HCĐ ở nội dung 10 môn phối hợp gian khó.

Trương Thanh Hằng (942) về đích thứ nhì 1.500 mét nữ.

Trương Thanh Hằng (942) về đích thứ nhì 1.500 mét nữ.

Vậy là môn thể thao cơ bản cũng đã giành được huy chương ở đấu trường lớn, điều mà trước kia chẳng bao giờ người làm điền kinh Việt Nam dám tin. Thậm chí, Hương, Hằng và Huyện không chỉ lấy 1 mà tới 5 chiếc huy chương. Mặc dù cả 3 mới chạm đến gần đỉnh vinh quang, nhưng trong mắt mọi người, họ đã là người người mở đường, và là những người hùng của thể thao Việt Nam ở Asian Games 2010.

  • Kiêu hãnh bước ra đường lớn

Có mặt ở sân vận động Aoti những ngày diễn ra thi đấu môn điền kinh mới thấy, khi một VĐV Việt Nam băng về đích và sánh cùng bạn bè trên bục nhận huy chương, đó một niềm hãnh diện lớn của chúng tôi.

Lúc Vũ Thị Hương chạm vạch đích, đoạt chiếc HCĐ lịch sử cho điền kinh Việt Nam, rất nhiều người đã ứa nước mắt. Bao nhiêu dồn nén được dịp bùng phát, từ những người làm thể thao cho đến giới truyền thông Việt Nam. Cũng dễ hiểu, giữa biển người mênh mông ở Aoti, giữa sự hừng hực khí thế của điền kinh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… khi chứng kiến Hương, Hằng và Huyện thăng hoa, những người Việt Nam đã có thể tự hào nói với bạn bè rằng: Kể từ đây, điền kinh Việt Nam sẽ bước ra đường lớn để đi với niềm kiêu hãnh nhất.

Trên bục nhận huy chương, Vũ Văn Huyện đã ưỡn ngực đầy kiêu hãnh, như để nhắn rằng, mỗi lần nhắc đến nội dung 10 môn phối hợp gian khó ở Asian Games, người ta phải nhớ đến Huyện, nhớ đến điền kinh Việt Nam. Lúc ấy, đứng cách Huyện chỉ chừng 10m, người viết cũng cảm thấy hãnh diện lây. Đơn giản, vì đã bao giờ chúng ta được nếm trải niềm hạnh phúc ấy đâu?

Vũ Văn Huyện - HCĐ 10 môn phối hợp nam.

Vũ Văn Huyện - HCĐ 10 môn phối hợp nam.

  • Ngày mai liệu còn gian khó?

Ở mỗi cuộc tranh tài lớn, điền kinh Việt Nam hầu như đều có VĐV phá kỷ lục khu vực, xóa dần khoảng cách so với giới hạn thành tích châu Á. Trương Thanh Hằng là gương mặt tiêu biểu. Chỉ tính trong vòng 3 năm trở lại đây, cô đã 3 lần phá kỷ lục khu vực ở cự ly 800m và 2 lần ở cự ly 1.500m. Vũ Văn Huyện cũng vậy, 2 năm liên tiếp, từ SEA Games 25 đến Asian Games 16, Huyện 2 lần vượt qua cột mốc do chính mình lập nên ở nội dung 10 môn phối hợp. Cú chạm đích ngoạn mục của Huyện ở Quảng Châu vừa qua, thậm chí còn mở ra nhiều kỳ vọng khác, rằng giới hạn của “người không phổi” chưa thể dừng lại ở đó. Vậy nhưng, ai cũng tiếc, vì nếu những tài năng như Hương, Hằng và Huyện được đầu tư đàng hoàng từ 2 hay 3 năm trước, họ thậm chí còn tạo nên nhiều điều không tưởng khác ở đấu trường Asian Games 2010.

Nhìn lại quá trình chuẩn bị, phải tranh đấu đến cùng, HLV Hồ Thị Từ Tâm mới được duyệt kế hoạch cùng Thanh Hằng đến Côn Minh tập huấn ngắn hạn 2 lần trong năm nay. Nhưng HLV Nguyễn Đình Minh cùng cô học trò Vũ Thị Hương và cả Vũ Văn Huyện cùng bị “giam lỏng” ở nhà, tập “chay trường”, khát những cuộc tranh tài quốc tế đến cùng cực, và nhìn cuộc tranh tài phía trước bằng ánh mắt ngại ngần. Thế nhưng, cả 3 đã bùng nổ ở Quảng Châu, trước sự ngạc nhiên và đầy ngượng ngùng của nhiều người có trách nhiệm. Bởi khó khăn lại trở thành động lực giúp Hương, Hằng, Huyện vươn lên để khẳng định: nếu được chăm chút bằng 1/10 so với bạn bè châu Á, có lẽ họ còn làm được những điều khác thường khác.

Vũ Thị Hương - tung nước rút. Ảnh: Việt Hùng

Vũ Thị Hương - tung nước rút. Ảnh: Việt Hùng

Chuyên gia Gunter Lange, người đã phối hợp với HLV Từ Tâm để thúc đẩy Trương Thanh Hằng khai thác triệt để khả năng, cũng tỏ ra hơi ngạc nhiên: “Điền kinh Việt Nam có những VĐV tài năng như thế, nhưng sao quá lãng phí. Ngoài Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện, tôi thấy còn nhiều VĐV khác nữa có tiềm năng và có thể giúp điền kinh Việt Nam cải thiện hình ảnh ở đấu trường châu Á. Vậy tại sao không tập trung vào một cuộc đầu tư lớn, quyết liệt hơn?”.

Vậy từ sau thành công của đội tuyển điền kinh ở Asian Games 2010, giới chức thể thao Việt Nam sẽ nghĩ gì?

THANH LÂM

°Giải vô địch cờ tướng các VĐV xuất sắc quốc gia 2010 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến 13-12, tranh tài 2 nội dung: cá nhân nam, nữ cờ tiêu chuẩn. Các kỳ thủ tham dự giải đấu này phải đạt hạng 1-20 tại giải vô địch cờ tướng hạng nhất toàn quốc 2010 hoặc đạt tiêu chuẩn cấp kiện tướng và dự bị kiện tướng trong các giải cờ tướng toàn quốc 2010, các kỳ thủ đạt huy chương quốc tế 2010, riêng đơn vị đăng cai được phép cử thêm 01 VĐV nam và 01 VĐV nữ dự thi. Đoàn TPHCM tham dự giải đấu này gồm 23 thành viên, trong đó có 16 kỳ thủ. Cuộc so tài lần này cũng là cơ sở để tuyển chọn thành viên đội tuyển quốc gia, chuẩn bị cho các giải cờ tướng quốc tế năm 2011.

H.TH

Tin cùng chuyên mục