“Mỗi năm đến hè, lòng man mác buồn”, ngày xưa cứ mỗi dịp hè đến, học trò có nỗi buồn man mác vì phải xa cách bạn bè học chung, nhưng lại có niềm vui được nghỉ ngơi thoải mái với bao kế hoạch kỳ thú. Đứa nào cũng tí tởn, hè này sẽ được cha mẹ cho đi du ngoạn, về quê với bao thú vui. Sống cùng ông bà, câu cá, tắm sông, thả diều, tập làm nông dân cùng với anh em họ, bạn bè mới ở quê… Ba tháng ở quê nghỉ hè khiến những trẻ em thành thị như rắn rỏi, cao lớn trưởng thành hẳn lên để bước vào năm học mới.
Những ngày này, hoa phượng lại đỏ sân trường, một mùa hè đang đến, học trò cũng buồn man mác… vì nhiều phụ huynh đã chuẩn bị học kỳ 3 cho con: học hè tại trường, học thêm tại nhà thầy, thậm chí rước sinh viên về nhà dạy kèm… Một lịch học căng thẳng cả ngày và kéo dài đằng đẵng, bất kể trẻ đã qua 9 tháng học miệt mài trong năm học chính thức.
Tại sao phải học thêm? Tại sao nói nghỉ hè mà thành học hè? “Ai chở mùa hè của em đi đâu?”. Những câu hỏi ấy đã từ lâu xoáy vào trong đầu lớp trẻ và cả nhiều người lớn. Nhiều người cho biết, không học thêm thì ai quản lý các cháu. Còn nếu để ở nhà lại hư, cứ chúi đầu vào internet, với tivi… Nhiều người sẽ nói ngày ấy khác, bây giờ khác, sểnh ra một ngày không học là thua bạn bè. Cả trường đều học thêm, chứ đâu chỉ con họ!
Có một thực tế là nhiều học trò giỏi, nhiều thủ khoa các kỳ thi đại học là những học trò ở vùng sâu, vùng xa. Con nhà nghèo không đi học thêm, đa phần là tự học mà vẫn giỏi. Còn nhiều đứa trẻ học thêm đến mụ người, căng thẳng thần kinh đến mức phải đi nhập viện, cũng không là chuyện hiếm. Thực tế ấy, nhiều bậc cha mẹ đều biết nhưng có ai dũng cảm quyết cho con trẻ nghỉ một mùa hè thoải mái.
Một chút nắng gió thiên nhiên, một thời gian dài ở với ông bà ở đồng quê… xem ra vẫn là một giấc mơ xa với nhiều bạn trẻ trong mùa hè.
NGUYÊN AN