Ai cứu những đứa trẻ… không tên?

Những đứa trẻ không tên
Ai cứu những đứa trẻ… không tên?

Hơn 15 năm nay, người dân thị xã Đông Hà, Quảng Trị luôn chứng kiến cảnh một gia đình gần 20 người, thuộc 3 thế hệ làm nghề ăn xin và hiện trong số ấy có 10 đứa trẻ khoảng 3 tháng đến 11 tuổi không có tên và chẳng biết bố mình là ai?...

Những đứa trẻ không tên

Trong lúc đang ăn sáng tại một quán trên đường Nguyễn Huệ, thị xã Đông Hà thì chúng tôi bắt gặp cảnh một người phụ nữ với thân hình cháy sạm vì nắng, trước ngực đeo một đứa bé chừng 1 tuổi cùng với 2 đứa bé gái khoảng 6 tuổi, trên tay cầm một ca nhựa, cổ quàng thêm một túi vải, đi đến từng bàn chìa tay ra mà không cần nói gì.

Ai cứu những đứa trẻ… không tên? ảnh 1
Con và cháu bà Hoa đang ăn xin ở quán ăn

Thấy tôi ngước nhìn, bà chủ quán nói: “Em mới tới đây à? Mẹ con đó ngày nào cũng có mặt tại quán này để xin ăn. Mà không riêng gì mẹ con nó đâu, cả nhà đó luôn gần 20 người. Chú ra ngoài chợ Đông Hà hỏi xem, ai cũng biết về gia đình 3 thế hệ sống dưới gầm cầu làm nghề ăn xin  này mà”.

Gia đình 3 thế hệ sống dưới gầm cầu Đông Hà đó là gia đình của bà Đào Thị Hoa, khoảng 50 tuổi, quê ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Mấy mươi năm trước một mình bà Hoa dẫn 6 người con ra chợ Đông Hà ăn xin và dựng lều sống ngay dưới gầm cầu Đông Hà.

Trong suốt khoảng thời gian ấy cho đến nay, những người con gái của bà đã sinh ra nhiều đứa bé và đứa trẻ mới sinh ra cũng được theo mẹ nó đi ăn xin. Và có một thực tế hết sức đau lòng là những đứa trẻ ấy chẳng bao giờ biết bố mình, mà ngay cả mẹ của nó cũng chẳng biết bố của những đứa trẻ này là ai?!

Người dân buôn bán tại chợ Đông Hà kháo nhau rằng: “Con cháu bà Hoa ngày đi xin ăn tối về ngủ ở gầm cầu, mấy chú xe thồ say rượu hay bất cứ một ai đó... mò xuống “xin ngủ” thì cả bà Hoa lẫn con bà sẵn sàng “cho”, do đó con cháu bà Hoa đông là lẽ đương nhiên”.

Bà con ở đây cho biết thêm, con cháu bà Hoa đông lắm, không cần tính những đứa cháu bà cho người khác nuôi thì hiện tại dưới gầm cầu cũng còn 10 đứa. Đứa lớn nhất năm nay không quá 11 tuổi và chúng thường được người dân xóm chợ gọi là: Bé ghẻ, bé say, bé xỉn, bé móm, bé chui, bé lủi...

Sở dĩ người dân nơi đây gọi chúng như thế vì mấy đứa trẻ này suốt ngày chui lủi đi xin ăn, chiều về phải nộp tiền cho bà (bà Hoa) để bà uống bia đến say rồi về gây gổ với mấy chị em bán hàng trong chợ, thậm chí bà Hoa còn đánh đòn những đứa trẻ nếu không xin được đồng nào đem về. Mấy năm gần đây, bà Hoa chẳng làm gì ngoài việc ngồi một chỗ thu tiền của con và cháu bà xin được để ăn nhậu...

Bài toán khó?

Ai cứu những đứa trẻ… không tên? ảnh 2

Túp lều rách của gia đình bà Hoa dưới gầm cầu Đông Hà

Một cán bộ quản lý chợ Đông Hà nói: “Nếu như chuyện của gia đình 3 thế hệ này không được chính quyền kiên quyết tìm biện pháp giải quyết thì không bao lâu nữa sẽ có nhiều đứa trẻ không tên, không bố, không được học hành tiếp tục sinh ra rồi lại đi lang thang xin ăn như  bà và mẹ của chúng.

Trước thực trạng trên, nhiều người dân đã báo cho các cấp chính quyền tìm cách giải quyết, song đến nay vẫn chưa giải quyết được. Còn về  phía chính quyền thì xem đó như một bài toán khó và chưa có cách giải nào cho hợp lý.

Bà Bùi Thị Thanh Thái, cán bộ phụ trách Hội Bảo trợ trẻ em thị xã Đông Hà, cho biết: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tìm mọi cách giải quyết vấn đề trên song chưa tài nào giải quyết được. Nhiều lần chúng tôi về vận động rồi trợ cấp tiền bạc để đưa gia đình bà Hoa về lại địa phương làm ăn sinh sống nhưng rồi đâu lại vào đấy”.

Được biết, năm 2004, các cấp ban ngành liên quan tỉnh Quảng Trị đã cấp ruộng, xây một căn nhà cho gia đình bà Hoa ở Triệu Long, Triệu Phong, đồng thời đưa gia đình bà về lại địa phương làm ăn nhưng chưa được bao lâu thì bà Hoa bán đất, bán ruộng rồi tiếp tục kéo nhau ra gầm cầu sống lại.

Bà Thái nói tiếp, hiện chúng tôi không tài nào tiếp cận được với gia đình bà Hoa, vì nghe có cán bộ về vận động tuyên truyền là bà cho con cháu chạy trốn, thậm chí la mắng và dùng đá ném vào chúng tôi.

Một công an khu vực cho biết, vừa tham mưu cho UBND thị xã Đông Hà tiến hành rào khu vực dưới gầm cầu nhưng rào tới đâu thì bà lại che lều ra chỗ khác. Hiện chỗ ở gia đình bà Hoa nằm cheo leo mép sông, rất nguy hiểm cho lũ trẻ...

Bà Trần Thị Thỉ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị, tâm sự: “Chúng tôi cũng rất buồn khi mọi nỗ lực chúng tôi làm để giúp đỡ gia đình này đều thất bại, song hiện nay chúng tôi vẫn kiên trì vận động, tuyên truyền để đưa gia đình bà Hoa về địa phương làm ăn, tạo điều kiện để cho bọn trẻ được đi học và không phải lao động sớm bằng cách đi ăn xin...”.

VÕ LINH

Tin cùng chuyên mục