Thí điểm điều trị miễn phí methadone tại TPHCM

Ai được điều trị miễn phí?

Ai được điều trị miễn phí?

Sáng 24-5, tại TPHCM, Bộ Y tế và UBND TPHCM đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động 3 điểm điều trị methadone miễn phí tại 3 quận: 4, 6 và Bình Thạnh. Việc này có ý nghĩa như thế nào và đối tượng nào sẽ được tham gia điều trị miễn phí. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi nhanh với TS-BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM về vấn đề này.

- Phóng viên: Điều trị methadone là gì và nó có ý nghĩa như thế nào thưa ông?

Ai được điều trị miễn phí? ảnh 1

Bác sĩ Nguyễn Quốc Tiến kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc methadone tại cơ sở điều trị ở quận 4. Ảnh: LÃ ANH

TS-BS LÊ TRƯỜNG GIANG: Điều trị methadone là một dạng dùng thuốc gây nghiện nhẹ để thay thế các dạng chất heroin. Methadone không có tác dụng đối với người nghiện các chất ma túy khác như: cần sa, valium và cocain. Methadone được Bộ Y tế chọn làm chất thay thế cai nghiện nhờ các ưu điểm: Hấp thu qua đường uống nên giảm được nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu khác; ít gây nghiện hơn heroin và không đòi hỏi phải tăng liều, chỉ phải dùng 1 lần/ngày.

Phương thức điều trị này sẽ góp phần làm giảm việc sử dụng ma túy bất hợp pháp và giảm tội phạm ở đối tượng này. Với chi phí điều trị là 6.000 đồng/liều/ngày và chỉ cần sử dụng một liều duy nhất trong ngày, điều trị methadone sẽ giúp giảm chi phí của xã hội cho chính người nghiện.

- Đối tượng nào sẽ được tham gia chương trình điều trị methadone miễn phí?

Chương trình thí điểm tại TPHCM dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 12-2008 với khoảng 750 người được tham gia. Tất cả những người nghiện có đủ các điều kiện: từ 18 tuổi trở lên, có đơn điều trị bằng thuốc methadone; không có chống chỉ định dùng thuốc methadone; có giấy giới thiệu của UBND phường, xã nơi cư trú; không có hành vi tội phạm, không bị khởi tố và không có hành vi gây rối trật tự hoặc trộm cắp; có hộ khẩu thường trú tại TPHCM hoặc không thì phải có người cam kết hỗ trợ chỗ ở và tinh thần để đảm bảo việc uống thuốc hàng ngày tại cơ sở điều trị methadone… được xét tham gia điều trị miễn phí. Ngoài việc được cấp methadone miễn phí, người tham gia còn được hưởng các dịch vụ hỗ trợ khác như: tham vấn tâm lý; hỗ trợ đồng đẳng; xét nghiệm HIV tự nguyện miễn phí giấu tên; giới thiệu cơ sở điều trị khi cần thiết và các hỗ trợ xã hội khác.

- Những người nghiện khác tự nguyện trả tiền để tham gia chương trình có được không?

Chương trình chưa thể tiếp nhận mở rộng với những người tự nguyện trả tiền vì đây là một chương trình thí điểm, Việt Nam chưa có kinh nghiệm nhiều về việc này nên để thí điểm xong, đúc kết được các kinh nghiệm thực tế, kết luận được chương trình thành công hay thất bại. Lúc đó mới tính tới chuyện mở rộng chương trình ra cộng đồng xã hội.

- Trên thế giới đã có những quốc gia nào áp dụng phương pháp này?

Từ năm 1965 đã có những nghiên cứu ở Mỹ về việc điều trị cho 22 người nghiện đầu tiên. Kể từ đó đến nay, methadone đã có mặt ở 60-70 nước. Năm 2005, chỉ tính riêng khu vực cộng đồng chung châu Âu đã có 585.000 người tham gia điều trị thay thế bằng methadone. Ở khu vực châu Á hiện nay có Trung Quốc là nước áp dụng khá mạnh chương trình này với 503 phòng khám ở 23 tỉnh với hơn 60.000 người tham gia. Thái Lan cũng đã xây dựng chương trình này từ những năm 1980.

Tại Việt Nam hiện có 2 địa phương được chọn làm thí điểm điều trị methadone miễn phí là: Hải Phòng và TPHCM, dự kiến sẽ có khoảng 1.500 người tham gia. Tại Hải Phòng, 3 điểm điều trị thí điểm đã được đưa vào hoạt động từ ngày 28-4-2008 ở 3 quận huyện: Lê Chân, Ngô Quyền và Thủy Nguyên.

Tại TPHCM, người nghiện ma túy có nhu cầu và đủ điều kiện như trên có thể liên hệ với các điểm tham vấn hỗ trợ cộng đồng: quận 4 (396/27 Nguyễn Tất Thành – P18); quận 6 (958/24K Lò Gốm – P8); Q. Bình Thạnh (8/104 Đinh Bộ Lĩnh – P24) để có thêm thông tin và được hướng dẫn việc đăng ký tham gia.

Kim Liên

Tin cùng chuyên mục