Cuộc chiến tại Iraq do Mỹ phát động kéo dài hơn 10 năm đã mang lại cho Mỹ lợi ích to lớn cả kinh tế lẫn chính trị. Và để đạt được mục tiêu đó, cái giá nước Mỹ phải trả là hơn 4.400 binh sĩ và chi phí lên đến 2.200 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia không tham gia cuộc chiến, không chịu bất kỳ phí tổn nào, cũng được hưởng phần đáng kể. Theo báo McClatchy của Mỹ, Trung Quốc là một trong những nước thu lợi nhiều nhất tại Iraq trong lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ. Tuy không thừa nhận điều này nhưng mậu dịch song phương giữa hai bên tăng gần 34 lần, từ 517 triệu USD lên 17,5 tỷ USD trong giai đoạn 2002-2012. Trong cùng thời gian, mậu dịch Iraq và Mỹ chỉ tăng 5,6 lần (từ 3,8 tỷ USD năm 2002 lên 21,6 tỷ USD vào cuối năm 2012).
Từ năm 2003, Trung Quốc đã chú trọng phát triển quan hệ với Iraq. Đáp lại, Iraq tỏ ra rất hưởng ứng sự “nồng nhiệt” của Trung Quốc. Cũng vì lẽ đó, giấy phép khai thác dầu đầu tiên mà Iraq ký với đối tác nước ngoài sau khi chính phủ Saddam Hussein sụp đổ năm 2003 là với Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc giành được hợp đồng 3,5 tỷ USD trong dự án khai thác mỏ Al-Ahdab. Một năm sau, Bắc Kinh lại giành tiếp hợp đồng 15 tỷ USD khai thác mỏ Rumaila ở Nam Iraq. Nước này còn xóa 80% khoản nợ trong 8,5 tỷ USD mà Baghdad còn treo trước đó. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu Iraq có thể lên đến 8 triệu thùng vào năm 2035 và đến lúc đó, 80% dầu Iraq sẽ được xuất sang Trung Quốc. Đây quả là một con số không hề nhỏ.
Với Bắc Kinh, Iraq đang là nguồn dầu chiến lược quan trọng, đặc biệt khi Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu nhiều dầu nhất thế giới, với 6,12 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 12-2012, so với 5,98 triệu thùng dầu/ngày của Mỹ trong cùng thời gian. Trung Quốc hợp tác với Iraq trong các hợp đồng mua bán vũ khí. Năm 2004, sau khi luật cấm vận vũ khí 14 năm do LHQ ban hành đối với Iraq kết thúc, Trung Quốc bán cho Iraq số súng hạng nhẹ trị giá 100 triệu USD. Theo McClatchy, lý do giúp Trung Quốc “thắng” là do họ sử dụng thành công phương thức khai thác tâm lý ghét Mỹ của Baghdad thời hậu chiến do sự can thiệp tái thiết không khéo léo của Washington trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống George W. Bush. Bắc Kinh đã khoét sâu khoảng cách giữa Washington và Baghdad, chứng tỏ mình luôn là một đối tác tốt, chỉ biết chuyện làm ăn chứ không màng chính trị nội bộ.
Theo hãng tin AP, sự thâm nhập thành công ở Iraq đã giúp Trung Quốc tính đến khả năng kiếm được những hợp đồng lớn tại Afghanistan khi Mỹ rút quân. Bắc Kinh cũng lấy lòng Afghanistan bằng các khoản vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy điện và xây dựng cơ sở hạ tầng để giành giật những hợp đồng thăm dò dầu khí, khai thác đồng và than đá giành cho đối tác nước ngoài. Không khó để đoán rằng, kịch bản của Iraq sẽ lặp lại tại Afghanistan.
Những gì diễn ra tại Iraq cho thấy, chính sách “ngoại giao mềm” của Trung Quốc tại những quốc gia mà Mỹ tham chiến đã phát huy hiệu quả để giải quyết “cơn khát” tài nguyên của Trung Quốc và giải cơn khát vốn của các nước đang tái thiết sau chiến tranh.
THANH HẰNG