Ai phê duyệt biện pháp thi công?

Tất cả những công trình xây dựng trước khi khởi công xây lắp đều phải có thiết kế tổ chức xây dựng công trình và thiết kế thi công các công tác xây lắp được duyệt. Lập thiết kế thi công (TKTC) nhằm mục đích: xác định biện pháp thi công có hiệu quả nhất để giảm khối lượng lao động, rút ngắn thời gian xây dựng, hạ giá thành, giảm mức sử dụng vật tư, nâng cao chất lượng công tác xây lắp và đảm bảo an toàn lao động.

Theo quy trình thì TKTC do nhà thầu chính xây lắp lập. Đối với những công việc do thầu phụ đảm nhiệm thì từng nhà thầu phải lập TKTC cho công việc mình làm. Đối với những hạng mục công trình lớn hoặc thi công ở địa hình đặc biệt phức tạp, nếu tổ chức nhận thầu chính xây lắp không thể lập được TKTC thì có thể ký hợp đồng với nhà thầu thiết kế làm cả phần TKTC. Tuy nhiên, TKTC phải do giám đốc của nhà thầu xây lắp (thầu chính) phê duyệt. Các thiết kế thi công do tổ chức thầu phụ lập TKTC thì phải được giám đốc của thầu phụ duyệt và được nhà thầu chính nhất trí. Các hồ sơ TKTC phải được duyệt trước 1 - 2 tháng kể từ lúc bắt đầu khởi công hạng mục công trình và chỉ được tiến hành thi công khi TKTC đã được duyệt.

Tuy nhiên, để khỏi lẫn với các bước thiết kế mà Luật Xây dựng quy định bao gồm: thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công nên tại Luật Xây dựng đã gọi thiết kế thi công là thiết kế biện pháp thi công. Khoản 1 Điều 6 Thông tư 22/2010/TT-BXD ngày 3-12-2010 của Bộ Xây dựng và Khoản 5 Điều 25 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 6-2-2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình đều nhấn mạnh vấn đề này, cụ thể: “Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng: Lập và phê duyệt biện pháp thi công trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình, tiến độ thi công, trừ trường hợp trong hợp đồng có quy định khác”. Ngoài ra, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7-5-2010 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì Bên nhận thầu thi công xây dựng có quyền “Được thay đổi các biện pháp thi công sau khi được bên giao thầu chấp thuận nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả công trình trên cơ sở giá hợp đồng đã ký kết”. Xin nhấn mạnh Bên giao thầu chỉ chấp thuận chứ không phê duyệt. Điều đó có nghĩa là nhà thầu thi công xây dựng phải tự chịu trách nhiệm về biện pháp thi công xây dựng do mình lập chứ không thể chia sẻ cho chủ đầu tư được.

Thế nhưng, không hiểu vì nhầm lẫn mà Điểm b Khoản 2 Điều 113 Luật Xây dựng 2014 đã quy định: Nhà thầu thi công xây dựng có các nghĩa vụ “Lập và trình chủ đầu tư phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình”. Trong khi đó, tại điểm d Khoản 2 Điều 112 thì Luật Xây dựng 2014 lại chỉ yêu cầu “Chủ đầu tư có nghĩa vụ: Kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường”.

Với quy định đầy mâu thuẫn giữa hai điều trong Luật Xây dựng thì chủ đầu tư không biết sẽ phải tuân thủ điều nào của Luật? Đấy là chưa kể, chủ đầu tư là nhà giáo nhân dân, thầy thuốc ưu tú… thì làm sao phê duyệt được thiết kế biện pháp thi công?

Như vậy, Quy định Điểm b Khoản 2 Điều 113 Luật Xây dựng 2014 là hoàn toàn vô lý, vì lý do này, đề nghị Quốc hội cần sửa lại điểm này theo nội dung tại Điểm b Khoản 6 Điều 24 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về “Trách nhiệm của chủ đầu tư là: Kiểm tra biện pháp thi công trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình của nhà thầu thi công xây dựng công trình”.

LÊ VĂN THỊNH
Nguyên Trưởng phòng Giám định 1 - Cục Giám định Nhà nước

Tin cùng chuyên mục