Ai thắng, ai thua?

Như tin đã đưa, từ ngày 20-1 tới, thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) về giải pháp xung quanh chương trình phát triển hạt nhân của Iran sẽ chính thức có hiệu lực. “Ai thắng, ai thua trong thỏa thuận lần này?” là tiêu đề bài viết của tác giả Majid Rafizadeh đăng trên trang Al Arabiya. Ông Majid là tiến sĩ người Mỹ gốc Iran, hiện là Chủ tịch Hội đồng quốc tế Mỹ chuyên phân tích, đánh giá các vấn đề toàn cầu.

Để đánh giá việc ai thắng, ai thua, cần lướt qua một số nội dung chi tiết trong thỏa thuận này. Về phía Iran, nước này nhất trí ngừng toàn bộ hoạt động làm giàu uranium trên 5% và tháo dỡ những kết nối về kỹ thuật cho phép hoạt động làm giàu ở mức trên 5%. Đổi lại, P5+1 sẽ không áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới nào đối với Iran trong 6 tháng tới. Hơn nữa, Iran sẽ được tiếp cận 4,2 tỷ USD tài sản bị phong tỏa ở nước ngoài. Việc đạt được thỏa thuận xét ra là thắng lợi của cả hai phía, Iran và P5+1.

Đối với riêng Iran, thỏa thuận đạt được đồng nghĩa với việc tháo gỡ những trói buộc về kinh tế áp đặt lên quốc gia này, giúp Iran vực dậy đồng rial vốn đã trượt giá thê thảm vì lệnh cấm vận từ phương Tây. Vì lệnh cấm vận mà Iran từ chỗ sản xuất 2,5 triệu thùng dầu/ngày phải sản xuất dưới công suất 1 triệu thùng/ngày. Qua đó kéo theo tình trạng lạm phát ở nước này lên tới 39%. Số người thất nghiệp là 3,5 triệu người (chiếm 11,2%).

Với Mỹ, quốc gia có sức ảnh hưởng nhất trong P5+1 đã nhiều lần, Tổng thống Obama cùng Ngoại trưởng John Kerry đã cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ kiềm chế, không đưa ra những lệnh trừng phạt mới. Giải quyết vấn đề bằng biện pháp ôn hòa, không cần phải tính đến một hành động quân sự tiềm năng đầy tốn kém và nguy hiểm là điều mà Nhà Trắng mong muốn. Với Mỹ, đây là bước đột phá không chỉ giúp giải quyết chương trình hạt nhân của Iran mà còn mang lại giải pháp chính trị, dọn đường cho các cuộc thảo luận rộng rãi hơn về vấn đề an ninh ở khu vực Trung Đông.

Nhiều người nhận định, thỏa thuận trên cũng là cách mà phương Tây bày tỏ thiện chí đối với các quốc gia Hồi giáo. Mục đích là tạo nên bức tường ngăn cản các thế lực Hồi giáo cực đoan lợi dụng cơ hội tạo bất ổn. Hiện nay, phương Tây với những khó khăn của riêng mình đã không còn hào hứng lắm với việc “đốt tiền” vào các cuộc can thiệp chính trị bằng vũ lực. Nhưng thật ra, thỏa thuận trên đã quên cân nhắc đến việc Iran có thể tận dụng việc đàm phán thành công với các cường quốc để tăng cường ảnh hưởng, theo đuổi tham vọng bá chủ khu vực, gây sức ảnh hưởng đến Syria, Lebanon và Iraq. Tuy thỏa thuận là bước tiến quan trọng vì nó cũng đã xác nhận quyền hạt nhân dân sự của Iran nhưng không nhắc đến việc cộng đồng quốc tế, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hiển nhiên có quyền thâm nhập, tìm hiểu về các hoạt động liên quan đến hạt nhân của Iran. Như vậy, chương trình phát triển hạt nhân của Iran vẫn chưa thật sự khép lại.

Thành công của thỏa thuận này giúp Iran tự tin hơn để thực hiện những kế hoạch quy mô lớn cho phép tăng cường khai thác và xuất khẩu dầu khí. Với trữ lượng khí đốt lớn thứ hai trên thế giới, Tehran đã tuyên bố mình là một thành viên mới trong thị trường khí đốt Á - Âu. Iran hứa hẹn sẽ tích cực mở rộng thị trường quốc tế, ảnh hưởng lớn đến bản đồ năng lượng tại khu vực này.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục