Có nhiều quan điểm khác nhau về những phát biểu thẳng thắn của ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch CLB bóng đá HN ACB tại cuộc họp tổng kết mùa bóng 2011 vào ngày 8-9. Có người cho rằng ông Kiên nói đúng nhưng có vẻ “quơ đũa cả nắm”. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng rất cần có những phản biện mạnh mẽ như bầu Kiên đã làm. Nói nôm na, phải tìm ra “bệnh” thì mới có thể “bốc thuốc” đúng cho bóng đá Việt Nam vốn đang được ví như một cơ thể đầy bệnh tật.
Ông Kiên đã đụng chạm hầu hết những căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt, mà đặc biệt là việc quản lý kém và trọng tài tiêu cực. Đứng ở góc độ của một nhà đầu tư cũng như người chịu thiệt hại trực tiếp, ông Kiên cho rằng nếu không trị được “2 căn bệnh” thì đừng nói gì đến chuyện bóng đá chuyên nghiệp.
Thật ra, những đúc kết của bầu Kiên đã được dư luận lên tiếng một thời gian dài. Nhưng do không có người trong cuộc nào đủ tâm, đủ tầm để gióng lên hồi chuông báo động. Phải đến khi các ông bầu chịu đựng không nổi, bày tỏ ý định rút lui khỏi bóng đá thì sự việc mới đặt ra đúng tầm mức. Muộn vẫn còn hơn không. Nhận định của một trong những ông chủ đội bóng rõ ràng có sức nặng từ trải nghiệm thực tế. Vấn đề là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), tổ chức đang điều hành nền bóng đá, có dám nhìn thẳng vào những “căn bệnh” ấy để liệu đường mà chữa trị?
Dư luận cho rằng, để làm được điều đó, VFF cần phải cầu thị hơn nữa, phải biết tận dụng các nguồn lực xã hội nhiều hơn nữa. Cách đây 10 năm, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu thử nghiệm làm chuyên nghiệp, VFF là một tổ chức rất có chiều sâu. Các chủ doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đều tham gia một cách hồ hởi, sẵn sàng dự các cuộc họp và liên tục đưa ra ý kiến đóng góp cho sự phát triển. Khi ấy VFF có trong tay một nguồn lực xã hội rộng lớn, từ kinh nghiệm đến tiềm lực kinh tế.
Thế nhưng, đến thời điểm này, các cuộc họp bàn về tương lai của nền bóng đá do VFF tổ chức theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”. Các ông bầu đều chán nản đứng ngoài cuộc khi thấy những ý kiến của mình không được tiếp thu đúng tầm mức. Không ai khác, chính VFF đã tự cô lập mình. Năng lực quản lý của một tổ chức chuyên ngành như VFF có vẻ không theo kịp với sự phát triển của nền bóng đá chuyên nghiệp theo hướng hội nhập. Họ cần có sự trợ giúp và phải biết cách tìm thêm sự trợ giúp ấy từ xã hội. Không có những nguồn lực từ xã hội, dù có tìm đúng bệnh thì cũng không thể trị dứt điểm được.
VFF không thể một mình tự “kê đơn trị bệnh” cho chính mình. Họ phải đưa ra lời mời chân thành hơn với người ngoài cuộc. Nếu không, “mặt bằng của VFF sẽ tiếp tục thấp hơn mặt bằng xã hội”.
Việt Quang