Algeria không còn bình yên

Chân dung “kiến trúc sư” vụ bắt cóc
Algeria không còn bình yên

Hơn 10 năm qua, đời sống chính trị tại Algeria khá yên ả. Cái tên Algeria ít được nhắc tới khi lục địa đen còn quá nhiều điểm nóng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, vụ bắt cóc con tin đẫm máu kết thúc ngày 19-1 vừa qua đã khiến dư luận phải đặt câu hỏi: vì sao điều đó đang xảy ra tại quốc gia tương đối bình yên này?

Một số hình ảnh trong vụ bắt cóc được báo chí nước ngoài đăng tải.

Một số hình ảnh trong vụ bắt cóc được báo chí nước ngoài đăng tải.

Để biết nguồn cơn vụ bắt cóc đẫm máu, có lẽ phải ngược dòng thời gian về năm 1991, thời điểm mầm mống cuộc nội chiến tại Algeria nảy sinh. Vụ bắt cóc con tin này khiến cộng đồng quốc tế nhớ lại hơn 20 năm trước Algeria từng là nỗi sợ hãi của người nước ngoài. Vào tháng 12 năm này, Phong trào cứu nguy Hồi giáo (FIS) - một đảng chính trị của Algeria - đã giành được phần thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội (gồm 2 vòng). Lo sợ về một chính phủ Hồi giáo được hình thành, ngày 11-1-1992, quân đội Algeria đã can thiệp khi ra lệnh bãi bỏ các cuộc bầu cử và buộc tổng thống khi đó, ông Chadli Bendjedid, từ chức.

Một hội đồng nhà nước được thành lập và đứng ra điều hành đất nước. Sau đó, FIS bị cấm hoạt động chính trị và điều này đã làm nổ ra xung đột giữa nhóm vũ trang Hồi giáo (AIG) ủng hộ FIS với các lực lượng vũ trang Chính phủ Algeria. Không chỉ vậy, các nhóm vũ trang Hồi giáo còn tiến hành bắt cóc du khách nước ngoài, một mặt đòi tiền chuộc, mặt khác đe dọa ngành du lịch hái ra tiền của Algeria. Algeria tiến hành bầu cử vào năm 1999 và đương kim Tổng thống Algeria hiện nay, ông Abdelaziz Bouteflika, giành chiến thắng.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Bouteflika đã công bố “Hòa ước dân sự” chấm dứt xung đột, hòa giải dân tộc và được thông qua sau một cuộc trưng cầu dân ý. AIG sau đó bị giải tán. Nội chiến kết thúc nhưng đã cướp sinh mạng của 100.000 người. Tuy nhiên, tổ chức Al Qaeda ở Tây Bắc Phi (GSPC hay AQIM) - một nhánh của AIG - vẫn tiếp tục các hoạt động chống phá Chính phủ Algeria.

Chân dung “kiến trúc sư” vụ bắt cóc

Vụ bắt cóc tại khu khai thác dầu khí ở In Amenas, miền Đông Algeria, liên quan đến một cựu chỉ huy AQIM. Kẻ lập kế hoạch là Moktar Belmokta. Trước khi vụ bắt cóc này xảy ra, ít ai biết đến cái tên Belmokta. Trong hồ sơ của Lầu Năm Góc, Belmokta người gốc Algeria, ở độ tuổi 40, được Mỹ gắn bí danh “MBM”. Belmokta gia nhập AIG năm 1991 rồi sau đó là AQIM. Y đã từng tham gia huấn luyện các nhóm cực đoan tại Afghanistan những năm 1990, trong đó có cả các tay súng của Osama bin Laden. Tại đó, y có biệt danh bằng tiếng Ảrập là Laaouar (tức Độc nhãn). Quỹ Jamestown có trụ sở tại Washington (Mỹ) từng nhận định Belmokta chính là cầu nối quan trọng giữa Al Qaeda và AQIM.

Thời còn ở AQIM, Belmokta được biết đến là một chỉ huy thực dụng nhưng ít tàn độc nhất trong số các chỉ huy của Al Qaeda. Khi thực hiện các vụ bắt cóc, Belmokta không đặt mục tiêu giết con tin lên hàng đầu. Có thể thời gian giam giữ con tin khá dài nhưng đến khi đạt được mục tiêu là tiền chuộc, y sẽ giải phóng con tin. Chỉ có một trường hợp ghi nhận các con tin của Belmokta bị giết khi vào năm 2011, y tổ chức bắt cóc 2 công dân Pháp tại một quán bar ở Niger. 2 người này sau đó đã chết trong khi quân đội Pháp cố gắng giải cứu họ. Tuy nhiên, đến nay nguyên nhân cái chết của 2 người này cũng chưa được xác định: chết do trúng đạn lạc của quân đội Pháp hay bị Al Qaeda giết.

Kẻ cầm đầu nhóm “Lữ đoàn giấu mặt” Moktar Belmoktar.

Kẻ cầm đầu nhóm “Lữ đoàn giấu mặt” Moktar Belmoktar.

Theo Trung tâm tình báo toàn cầu Stratfor (Mỹ), Belmokta có xu hướng thích dùng con tin để đổi tiền chuộc thay vì lấy mạng họ. Theo nguồn tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Algiers, đã rất nhiều lần Belmokta tỏ ra không đồng tình với các chính sách gây thương vong nhiều cho dân thường của AIG và AQIM. Do đó, tháng 12-2012, cùng với Abou Zeid, một thủ lĩnh khác là AQIM, Belmokta đã tuyên bố tách khỏi AQIM để thành lập một nhóm riêng mang tên “Lữ đoàn giấu mặt”, nhóm thực hiện vụ bắt giữ con tin tại Algeria. Stratfor cho biết cái giá để đổi lấy mạng sống một con tin trong tay của Belmokta là 3 triệu USD. Với số tiền chuộc khổng lồ có được từ nhiều vụ bắt cóc, người ta có thể hiểu được lý do tại sao chỉ trong có 6 tuần lễ, Belmokta có thể lập ra “Lữ đoàn giấu mặt”.

Mali và lợi ích của Belmokta

Belmokta chọn địa bàn hoạt động chính ở phía Bắc Mali bởi đây là nơi có vùng sa mạc rộng lớn chỉ với những cồn cát, sỏi, đá không thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Mali. Chính tại đây, Belmokta đã kiếm được hàng chục triệu USD từ những khoản tiền chuộc các con tin người phương Tây như Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Italia, Đức… Oumar Ould Hamaha, một kẻ thân cận với Belmokta, cho biết việc lập “Lữ đoàn giấu mặt” là một phần trong tham vọng của Belmokta: thành lập một phong trào thánh chiến liên Sahara với khu vực hoạt động chính là Bắc Phi.

Và đúng như nhiều nhà phân tích chính trị đã nhận định, vụ bắt cóc đẫm máu tại In Amenas xuất phát từ chính cuộc tấn công của quân đội Pháp ở phía Bắc Mali nhằm loại bỏ các tay súng Hồi giáo cực đoan. Trong số đó đương nhiên có nhóm của Belmokta. Belmokta tuyên bố chọn một địa điểm ở Algeria để tiến hành vụ bắt cóc con tin là vì y cho rằng Chính phủ Algeria đã ủng hộ Pháp tấn công quân nổi dậy ở Mali. Khi quân đội Pháp bắt đầu không kích vào ngày 11-1, phá hủy một trại huấn luyện, một số kho vũ khí và một căn cứ của nhóm Belmokta ở thị trấn Gao, Bắc Mali. Chỉ vài ngày sau vụ không kích đó, những tay súng cực đoan nguyện trung thành với Belmokta đã tổ chức vụ tấn công và bắt giữ con tin tại khu khai thác dầu khí ở In Amenas. Những kẻ cực đoan đã bắt các con tin phải quấn thuốc nổ quanh mình. Còn Belmokta tuyên bố sẽ giết tất cả các con tin nếu Pháp không dừng ngay hoạt động quân sự tại Mali.

Vụ bắt cóc đẫm máu kết thúc nhưng hàng chục người vô tội thiệt mạng. Tuy nhiên, chủ đề về vụ bắt cóc chưa chấm dứt. Một số ý kiến băn khoăn rằng: sẽ có một kết thúc khác không nếu như Chính phủ Algeria hoặc các chính phủ khác đồng ý thương lượng thay vì cho trực thăng, binh lính tấn công khu khai thác dầu? Moustapha Chaffi, nhà đàm phán chính trong vụ bắt cóc ở Algeria, nhận định chỉ có một điều chắc chắn rằng giờ đây những nhóm cực đoan tự coi là đang thực hiện các cuộc thánh chiến tại khu vực Sahara sẽ ngày càng điên cuồng theo đuổi con đường bạo lực. Điều đó sẽ có thể đưa Algeria trở lại thành nỗi sợ hãi cho du khách, đưa khu vực tiếp tục những ngày không yên ả, đặt lợi ích nước Pháp trước nhiều nguy cơ…

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục